Người thân của tôi bị bệnh và điều trị hơn một tháng nay tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Số tiền đồng chi trả viện phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) khá lớn, vượt nhiều so với mức 10,8 triệu đồng theo quy định. Vậy tôi phải làm gì để người thân được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục?
Nguyễn Phước Tân (thành phố Biên Hòa)
- Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Nguyễn Thị Quy trả lời vấn đề này như sau: điểm m, khoản 2, Điều 3 Quyết định 1399/QĐ-BHXH ngày 22-12-2014 của BHXH Việt Nam ban hành quy định về tổ chức thực hiện BHYT trong khám, chữa bệnh nêu rõ, cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm cho người tham gia BHYT đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục với số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ các trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến).
Theo đó, người bệnh sẽ được cấp giấy chứng nhận này nếu đáp ứng các điều kiện sau: tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, thời gian gián đoạn không quá 3 tháng; có số tiền đồng chi trả với cơ quan BHXH theo tỷ lệ % được hưởng trên thẻ BHYT trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 10,8 triệu đồng tại thời điểm năm 2024); đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Nếu người thân của ông đủ điều kiện trên thì làm các thủ tục để được nhận giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Hồ sơ gồm: bản chính các hóa đơn, biên lai thu tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT (5% hoặc 20%) từ đầu năm; thẻ BHYT còn giá trị sử dụng; giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của các lần khám, chữa bệnh đúng tuyến; căn cước công dân. Trên hóa đơn, biên lai phải thể hiện rõ số tiền người bệnh cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Hồ sơ nộp tại cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT.
An Nhiên (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin