10 năm qua (2014-2024), hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn Đồng Nai, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH (Chỉ thị 40) đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả tích cực. Qua đó đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường. Ảnh: K.Liễu |
Trao đổi với Báo Đồng Nai về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc Ngân hàng CSXH - chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường cho hay, để triển khai Chỉ thị 40 đạt hiệu quả, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị và UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; chỉ đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh; xác định rõ tín dụng CSXH là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
* Sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40 tại Đồng Nai, hoạt động tín dụng CSXH đã đạt được thành tựu, kết quả tích cực cụ thể nào, thưa ông?
- Thực hiện Chỉ thị 40 tại Đồng Nai từ năm 2014-2024, hoạt động tín dụng CSXH đã giúp gần 367 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền hơn 11,7 ngàn tỷ đồng. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho trên 116 ngàn người lao động; hơn 18 ngàn lượt học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 603 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để mua, xây mới, cải tạo 603 căn nhà; xây dựng hơn 353 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
* Ông đánh giá như thế nào về kết quả cho vay từ nguồn ngân sách địa phương chuyển ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo thời gian qua?
- Thực hiện Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm dành nguồn ngân sách địa phương chuyển ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng dần qua các năm. Đến ngày 30-4-2024, đã đạt được 1.453 tỷ đồng, tăng 1.349 tỷ đồng (+1.304%) so với trước khi có Chỉ thị 40 (trước ngày 22-11-2014).
Trong đó, nguồn vốn cấp huyện đạt 391 tỷ đồng, đặc biệt 100% đơn vị cấp huyện đều chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH hàng năm từ 4-10 tỷ đồng/đơn vị cấp huyện. Tổng dư nợ cho vay đạt 5.342 tỷ đồng, tăng 3.616 tỷ đồng (+209,5%) so với trước khi có Chỉ thị 40, với gần 126 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn còn dư nợ.
Đến ngày 30-4-2024, chất lượng tín dụng từng bước được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,14%/tổng dư nợ (giảm 0,64% so với trước khi có Chỉ thị số 40); toàn tỉnh hiện có 42/170 đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn, chiếm 24,7% tổng số đơn vị cấp xã.
Qua đó, góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới (NTM), đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong 10 năm qua, đã có hơn 55,7 ngàn hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (hơn 20 ngàn hộ thoát nghèo và hơn 34,8 ngàn hộ thoát cận nghèo); tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm nhanh, từ 4,01% cuối năm 2014 xuống còn 1,36% vào đầu năm 2024 (tỷ lệ hộ nghèo còn 0,68% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,68% so với tổng số hộ dân).
Hiện nay, nguồn vốn tín dụng CSXH nói chung, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác nói riêng, có tỷ lệ tăng trưởng cao qua hàng năm song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh tỉnh Đồng Nai giải ngân cho người dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). |
* Nguồn vốn tín dụng CSXH cũng góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM ở Đồng Nai, ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?
- Đến ngày 30-4-2024, toàn tỉnh có 11/11 đơn vị cấp huyện và 120/120 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 huyện và 105 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 27 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp và đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đến ngày 30-4-2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 5.350 tỷ đồng, tăng 3.620 tỷ đồng (+209,1%) so với trước khi có Chỉ thị 40 (trước ngày 22-11-2014).
* Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40, Ngân hàng CSXH sẽ làm gì trong thời gian tới?
- Ngân hàng CSXH - chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030.
Đồng thời, Ngân hàng CSXH - chi nhánh tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, xây dựng NTM và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí ngân sách địa phương chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chương trình tín dụng CSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin