Trong những ngày đầu triển khai Luật Căn cước năm 2023, các điểm thu nhận hồ sơ trên địa bàn Đồng Nai đều có đông người dân đến làm căn cước. Riêng tại thành phố Biên Hòa, nhiều người phải mất hơn 2 giờ mới có thể hoàn tất thủ tục.
Các con của chị Hoàng Thị Liên (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) đang thực hiện các bước thu thập thông tin làm căn cước tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu |
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả Công an thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các huyện, Bộ phận Một cửa Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an tỉnh đã chủ động nhiều giải pháp phục vụ người dân.
Nhu cầu làm căn cước cao
Từ ngày đầu triển khai Luật Căn cước năm 2023 (ngày 1-7) cho đến nay, hầu như ngày nào lượng người dân đến làm căn cước tại các điểm thu nhận hồ sơ ở các huyện, thành phố trên địa bàn cũng đông. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, một phần do trước đó (từ ngày 25 đến 30-6), cơ quan công an ngưng cấp thẻ căn cước công dân để chuẩn bị triển khai thi hành Luật Căn cước năm 2023.
Ngoài ra, dù Luật Căn cước năm 2023 không bắt buộc người dân phải đổi căn cước nhưng lại có nhiều quy định mới được người dân đón nhận. Điểm mới đáng chú ý là lần đầu tiên quy định công dân từ 0-6 tuổi, 6 đến dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước nên nhiều phụ huynh dẫn con đi làm căn cước.
Mặt khác, Luật Căn cước năm 2023 còn bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Điểm “mở” này đã tạo điều kiện cho nhiều người có được giấy tờ tùy thân, thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính, giao dịch dân sự.
Theo Công an tỉnh, Đồng Nai hiện có 1.565 nhân khẩu là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch và 1.254 nhân khẩu không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú (do không có giấy tờ tùy thân, chưa đủ thông tin, định cư từ nước ngoài về)…
Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Biên Hòa, khoảng 6h30 ngày 4-7, đã có nhiều người đến bốc số thứ tự đăng ký làm căn cước. Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, đến 8h, nhiều người vừa đến bãi gửi xe đã phải quay về vì được bảo vệ thông báo đang tạm ngưng bốc số làm căn cước và hẹn quay lại vào đầu giờ chiều. Bên trong sảnh, nơi tiếp nhận hồ sơ làm căn cước, có rất đông người dân chờ tới lượt làm thủ tục. Lượng công việc nhiều nên các chiến sĩ công an ở đây phải làm việc liên tục, hết công suất.
Dẫn 2 con đến làm căn cước, chị Hoàng Thị Liên (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Tôi đến lúc 7h, ngay khi vào làm đã được cán bộ công an trực hướng dẫn đăng nhập hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Nhưng do lượng người đến đông quá nên để hoàn tất các thủ tục thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho con mất tầm 2 giờ”.
Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an thành phố Biên Hòa, trung tá Đào Tiến Hùng cho biết, hiện trung bình mỗi ngày thành phố Biên Hòa thu nhận được khoảng 300 hồ sơ cấp căn cước. Do thiết bị thu thập thông tin công dân còn hạn chế nên dẫn đến việc người dân phải chờ đợi.
Công dân từ 0-6 tuổi khi làm thẻ căn cước, người đại diện hợp pháp có thể thực hiện qua Cổng dịch vụ công (https://dichvucong.gov.vn/) hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (https://dichvucong.bocongan.gov.vn/), thực hiện đăng nhập bằng tài khoản VNeID đã được cấp, sau đó thực hiện các bước tiếp theo để nộp hồ sơ.
Trước khi dẫn trẻ từ 0-6 tuổi, 6 đến dưới 14 tuổi và từ đủ 14 tuổi trở lên đến nơi thu nhận hồ sơ làm căn cước, người đại diện hợp pháp liên hệ công an nơi trẻ đăng ký thường trú để kiểm tra thông tin; nếu thấy thiếu hoặc có sai sót thì cung cấp các tài liệu để được điều chỉnh, cập nhật thông tin đúng lên trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để không mất thời gian đi lại nhiều lần.
Để người dân không phải chờ lâu
Trung tá Đào Tiến Hùng cho biết thêm, việc làm thủ tục hoàn tất hồ sơ căn cước mất thời gian hơn so với làm căn cước công dân vì hình thức đăng ký có thay đổi. Cụ thể, phải đăng ký qua dịch vụ công của Bộ Công an, qua ứng dụng VNeID, nên người dân còn nhiều lúng túng vì các bước thực hiện khá phức tạp. Một số trường hợp không thực hiện đăng ký qua Cổng dịch vụ công phải thực hiện trực tiếp gồm: công dân có thẻ căn cước công dân đã hết hạn, tài khoản VNeID bị khóa không thể thực hiện đăng ký qua dịch vụ công. Công dân vừa đủ 14 tuổi thì buộc phải thực hiện thu nhận hồ sơ trực tiếp (số này chưa có tài khoản VNeID).
“Để giảm thời gian công dân chờ đợi lâu, chúng tôi bố trí máy tính có kết nối internet và 4 cán bộ túc trực tại điểm cấp căn cước để hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký thủ tục qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Đồng thời, đặt bảng hướng dẫn các bước thao tác đăng ký dịch vụ công trực tuyến” - trung tá Hùng chia sẻ.
Cách làm này đang được công an các địa phương áp dụng. Một số đơn vị có cách làm hay, chẳng hạn như Công an huyện Thống Nhất đã thông báo lịch cấp căn cước lưu động đến từng xã và bố trí cấp căn cước tại Công an thị trấn Dầu Giây. Tại điểm cấp căn cước, công an đã bố trí phân luồng khu vực thu nhận hồ sơ, sinh trắc học và khu vực hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến riêng, bố trí đủ chỗ ngồi cho công dân, cho trẻ em. Công an thị trấn tiếp và hướng dẫn, hỗ trợ công dân thủ tục đăng ký dịch vụ công, sau đó chuyển tiếp qua khu vực thu nhận sinh trắc cấp thẻ căn cước, tránh được dồn ứ, đông người.
Tại huyện Long Thành, trung tá Tô Bá Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện, cho biết đơn vị đã huy động sự hỗ trợ của các đoàn viên, công an xã giúp người dân thực hiện đăng ký dịch vụ công, kiểm tra, so sánh, điều chỉnh dữ liệu… để rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân khi thực hiện các thủ tục làm căn cước.
Tại các huyện có đông người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch như Định Quán và Vĩnh Cửu, trước ngày 1-7, lực lượng chức năng tại địa phương đã tổ chức thu thập hồ sơ đối với các nhân khẩu trên. Đồng thời, tổ chức xe đưa đón những người đủ điều kiện đến để thu nhận hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước.
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin