Báo Đồng Nai điện tử
En

Cách chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn đúng luật

Đoàn Phú
09:00, 10/08/2024

Vì nhiều lý do khác nhau, người lao động (NLĐ) muốn được chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trước hạn với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Do không hiểu biết đầy đủ quy định pháp luật về vấn đề này nên đa phần NLĐ lúng túng, không biết hành xử ra sao cho hợp lý để khỏi ảnh hưởng tới quyền lợi.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn cho người lao động về thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động năm 2019. Ảnh: Đ.Phú

Phải tuân thủ thời gian báo trước

Sau khi ký HĐLĐ 6 tháng với công ty, công việc chuyên môn là thợ may công nghiệp, chị Lê Hồng Diệp (ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) làm việc được 5 tháng 15 ngày thì muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Chị Diệp được người quản lý của công ty hướng dẫn, nếu chị chọn giải pháp đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì chị phải báo trước 3 ngày rồi mới được nghỉ, hoặc chờ cho đến thời điểm HĐLĐ hết hạn. Chị Diệp muốn biết, nghỉ việc tuân thủ về thời gian báo trước khác với việc chờ HĐLĐ hết hạn rồi nghỉ như thế nào?

Còn ông Phạm Văn Tư (ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) trình bày, HĐLĐ của ông được NSDLĐ ký 12 tháng, công việc là nhân viên bảo vệ. Hiện tại, ông mới làm việc được 4 tháng nhưng muốn xin nghỉ việc để về quê làm vườn và tiện bề chăm sóc cho vợ bị bệnh. Tuy nhiên, khi ông đề xuất ý định xin nghỉ việc thì NSDLĐ động viên ông cố gắng làm thêm 1 tháng nữa, hoặc chờ khi NSDLĐ tuyển được bảo vệ mới thì giải quyết cho ông nghỉ. Nay đã hơn 1 tháng, NSDLĐ vẫn chưa tuyển được người thay thế và giải quyết cho ông nghỉ việc. Ông Tư muốn biết, ông có được phép nghỉ việc ngang để về quê và nếu như vậy ông có bị NSDLĐ kiện vì chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn?

Trong khi đó, chị Ngọc Liên (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho biết, HĐLĐ mà chị đã ký với công ty là HĐLĐ không xác định thời hạn. Nay chị kết hôn nên muốn nghỉ việc để theo chồng về tỉnh Tây Ninh sinh sống. Vì công việc cưới xin quá gấp, tốn nhiều thời gian để chuẩn bị nên chị chưa báo cáo với người quản lý công ty mà tự ý nghỉ việc liên tục trong 10 ngày. Sau khi đám cưới xong, chị quay lại công ty để làm thủ tục xin nghỉ việc thì nhận được thông báo chị bị sa thải vì tự ý bỏ việc liên tục trong nhiều ngày mà không có lý do chính đáng. Chị Ngọc Liên thắc mắc công ty xử lý như vậy là đúng hay sai, việc sa thải khác với chấm dứt HĐLĐ ra sao.

Trao đổi về các trường hợp nêu trên, luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) giải thích, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng để thực hiện quyền này đúng quy định pháp luật thì cần tuân thủ thời gian báo trước theo khoản 1, Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019.

Cụ thể, với trường hợp chị Lê Hồng Diệp nếu muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì phải tuân thủ thời gian báo trước ít nhất 3 ngày làm việc. Còn ông Phạm Văn Tư phải tuân thủ thời gian báo trước ít nhất 30 ngày làm việc. Riêng trường hợp chị Ngọc Liên phải tuân thủ thời gian báo trước ít nhất 45 ngày làm việc; đồng thời, NLĐ không được tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.

Luật sư NGUYỄN VĂN HÒA (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, mặc dù đơn phương chấm dứt HĐLĐ là quyền của NLĐ nhưng NLĐ cũng phải có nghĩa vụ thực hiện HĐLĐ, tức là thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận trong HĐLĐ như: công việc, địa điểm làm việc, thời giờ lao động, nghỉ ngơi…

Trường hợp nghỉ việc không cần báo trước

Cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, không phải trường hợp chấm dứt HĐLĐ nào cũng phải tuân thủ thời gian báo trước. Bởi căn cứ theo Điều 34 và khoản 2, Điều 35 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì có nhiều trường hợp NLĐ chấm dứt HĐLĐ không cần phải báo trước như: hết hạn HĐLĐ; hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ; đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ; không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị NSDLĐ ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

Trên cơ sở đó, luật gia Phạm Đình Đức giải thích, về bản chất, đơn phương chấm dứt HĐLĐ và chấm dứt HĐLĐ khi HĐLĐ hết hạn hoặc NLĐ đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ đều là chấm dứt HĐLĐ. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật thì NLĐ được hưởng đầy đủ các quyền lợi về trợ cấp thôi việc, mất việc làm, BHXH… giống như trường hợp HĐLĐ hết hạn hoặc NLĐ đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.  Ngược lại, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, NLĐ không được trợ cấp thôi việc; phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước; phải hoàn trả cho NSDLĐ chi phí đào tạo (nếu có).

Còn trường hợp NLĐ đã báo trước và thực hiện đúng thời gian báo trước theo khoản 1, Điều 35 của Bộ luật Lao động năm 2019 mà NSDLĐ không chấp thuận thì sau khi kết thúc thời gian báo trước, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không sợ vi phạm pháp luật.

Riêng với trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng sẽ bị NSDLĐ áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị bệnh có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

“Sa thải là hình thức kỷ luật lao động và khi NLĐ bị NSDLĐ sa thải tức là bị NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Lúc này, NLĐ không được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc; có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đủ điều kiện; được thanh toán tiền lương, khoản tiền của các ngày nghỉ phép chưa nghỉ và được trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng các giấy tờ khác có liên quan” - luật gia Phạm Đình Đức nhấn mạnh.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều