Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi (với 8 chương, 133 điều) có rất nhiều điểm mới so với Luật Việc làm năm 2013, tạo thuận lợi hơn cho người lao động (NLĐ) và được dư luận quan tâm tìm hiểu, góp ý.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi chỉ cho phép học sinh, sinh viên học các chương trình chính quy được tham gia làm việc không quá 24 giờ/tuần trong thời gian học tập. Trong ảnh: Học sinh ở khu phố 6, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) tham gia lao động trong kỳ nghỉ hè. Ảnh: Đ.Phú |
Tạo thuận lợi hơn cho người lao động
Tại khoản 2, Điều 28 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có quy định, NLĐ là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ có đất thu hồi; thân nhân của người có công với cách mạng; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (HĐLĐ) được Nhà nước hỗ trợ.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) cho biết, so với khoản 2, Điều 20 Luật Việc làm năm 2013 thì đối tượng được ưu tiên vay vốn khi đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ ở dự thảo luật sửa đổi được mở rộng hơn.
Cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, tại khoản 1, Điều 36 Luật Việc Làm năm 2013 chỉ quy định dịch vụ việc làm bao gồm: tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động. Vấn đề này không những tiếp tục được khoản 1, Điều 74 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi khẳng định, mà còn mở rộng thêm khái niệm dịch vụ việc làm bao gồm: cung ứng và kết nối NLĐ theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, tại Chương VI Dịch vụ việc làm, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi còn bổ sung rất nhiều quy định mới mà Luật Việc làm năm 2013 chưa có quy định như: hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử (Điều 75); sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia (Điều 76); giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm (Điều 81)… Đặc biệt, tại Điều 77 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có quy định rất mới về tư vấn viên dịch vụ việc làm.
Cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi sau khi lấy ý kiến đóng góp đã loại bỏ quy định không cho phép NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo khoản 1, Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 được hưởng trợ cấp thất nghiệp ra khỏi dự thảo, đồng thời giữ nguyên điều kiện thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp như quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, nên được dư luận đồng tình cao.
Khoản 1, Điều 86 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có quy định, trong trường hợp NLĐ giao kết và đang thực hiện nhiều HĐLĐ như: không xác định thời hạn, xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên, theo hợp đồng làm việc… thì NLĐ và người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp cùng với hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Vẫn còn vấn đề chưa rõ
Tại khoản 1, Điều 9 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có quy định những hành vi nghiêm cấm như: phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, xu hướng tình dục.
Điều này làm cho dư luận phân vân, đặt vấn đề rằng Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi liệt kê rất nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong việc phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp như vậy liệu có quá chi tiết, nhất là việc bổ sung thêm cụm từ “xu hướng tình dục” trong việc nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp?
Luật gia Lương Văn Hùng (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, xu hướng tình dục (sexual orientation) đề cập đến sự hấp dẫn lâu dài về mặt tình dục, thể chất (physical attraction) và/hoặc tình cảm, cảm xúc (emotional attraction) đối với người khác, bao gồm cả những người cùng giới và/hoặc những người thuộc các giới tính khác. Xu hướng tình dục luôn được nhắc đến thông qua các cụm từ thường gặp như: toàn tính (pansexual), đồng tính (homosexual), dị tính (heterosexual), song tính (bisexual), vô tính (asexual).
“Do đó, việc Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đưa cụm từ “xu hướng tình dục” vào mà không giải thích là không hay. Do đó, nên bỏ cụm từ “xu hướng tình dục” và thêm từ “giới” sau cụm từ “giới tính” vào khoản 1, Điều 9 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi là phù hợp ” - luật gia Lương Văn Hùng đề nghị.
Ngoài ra, tại Điều 27 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi quy định NLĐ là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định tại khoản 1, Điều 3 luật này được làm việc nhưng không quá 24 giờ trong một tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Tức là Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi chỉ cho phép độ tuổi lao động tối thiểu của học sinh, sinh viên tham gia làm thêm không trọn thời gian là từ đủ 15 tuổi trở lên, với thời gian làm việc không quá 24 giờ trong một tuần.
Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, đây là vấn đề mới được Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đưa vào quy định. Tuy vậy, việc Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi khống chế thời gian tham gia lao động và có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục - đào tạo nơi theo học để quản lý là chưa hợp lý, khó khả thi. Bởi Luật Giáo dục năm 2019 không cấm học sinh, sinh viên làm thêm dạng bán thời gian và không có quy định nào buộc học sinh, sinh viên khi làm thêm phải thông báo cho cơ sở đang theo học chính quy quản lý. Đồng thời, khoản 2, Điều 146 Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép NLĐ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc không được làm quá 40 giờ trong một tuần.
Luật sư Cao Sơn Hà góp ý, học sinh, sinh viên học các chương trình chính quy hay thường xuyên vì hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mới có nhu cầu làm thêm để tự trang trải chi phí học tập, sinh hoạt và việc làm thêm này đều ngoài giờ học tập, nếu trong giờ học tập thì vi phạm quy chế học tập. Do đó, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi không nên khống chế thời gian lao động đối với các em là không được vượt quá 24 giờ trong tuần, đồng thời nên để vấn đề này cho văn bản dưới luật hướng dẫn sẽ phù hợp hơn.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin