Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động có được rút lại đơn xin nghỉ việc đã nộp?

Đoàn Phú
09:00, 18/09/2024

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) là quyền của người lao động và viên chức. Việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV phải tuân thủ về thời gian báo trước theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) Phan Thị Nga (trái) tư vấn pháp luật cho người lao động. Ảnh: Đ.Phú

Rút lại đơn xin nghỉ việc

Khoản 4, Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có quy định, viên chức làm việc theo HĐLV không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 3 ngày.

Đồng thời, tại khoản 4 và 6, Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) cũng quy định viên chức làm việc theo HĐLV xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Khi thực hiện quyền này, viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt HĐLV cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 3 ngày đối với các trường hợp: không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLV; không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo HĐLV; bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động; viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh; viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 3 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.

Riêng với trường hợp bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng có xác định thời hạn, viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt HĐLV cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 30 ngày.

Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 35 của Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ
12-36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Qua tìm hiểu quy định trên, viên chức N.T.A. (giáo viên hợp đồng tại một trường tiểu học tại huyện Long Thành) thắc mắc, trong quá trình thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLV và còn trong thời hạn báo trước theo quy định của Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), ông chưa được NSDLĐ giải quyết cho nghỉ việc thì có quyền rút lại đơn?

Hay như trường hợp ông P.V.M. (ngụ phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) muốn biết, trong quá trình nộp đơn xin nghỉ việc và chưa được NSDLĐ giải quyết, ông có quyền xin rút lại đơn xin nghỉ việc và pháp luật xử lý ra sao với trường hợp của ông?

Luật sư Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, để NSDLĐ xử lý tình huống hợp lý, nhân văn, không cảm tính khi người lao động, viên chức rút đơn xin nghỉ việc thì cần xem xét các yếu tố như: trong thời gian người lao động, viên chức chờ chấm dứt HĐLĐ, HĐLV, NSDLĐ chưa ban hành các thủ tục giải quyết chấm dứt HĐLĐ, HĐLV; chưa bố trí người khác thay thế; nhu cầu công việc, vị trí việc làm vẫn còn…, từ đó có cách giải quyết cho người lao động, viên chức rút đơn hay không.

Phụ thuộc vào việc xem xét của người sử dụng lao động

Trao đổi về các thắc mắc trên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh), luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết, việc đơn phương chấm dứt HĐLV, HĐLĐ được Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Bộ luật Lao động năm 2019 khẳng định đó là quyền của viên chức, người lao động. Do đó, NSDLĐ phải tôn trọng quyền này của người lao động và viên chức.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, vấn đề hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ được Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể như sau: mỗi bên đều có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước khi hết thời hạn báo trước, nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý. Do đó, vấn đề xin rút đơn của ông P.V.M. sẽ được giải quyết theo hướng này.

Riêng vấn đề xin rút đơn của viên chức N.T.A. không được Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định cụ thể trong luật, mà do Bộ luật Lao động năm 2019 điều chỉnh. Theo đó, Điều 30 Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có quy định, tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt HĐLV được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.

“Chính vì vậy, việc rút đơn của viên chức N.T.A. cũng áp dụng theo Điều 38 của Bộ luật Lao động năm 2019. Tức là việc rút đơn của viên chức N.T.A hội đủ các điều kiện gồm: còn trong thời hạn báo trước, phải thông báo bằng văn bản và phải được NSDLĐ đồng ý” - luật sư Vũ Ngọc Hà hướng dẫn.

Điều 59 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có quy định, công chức xin thôi việc theo nguyện vọng thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không đồng ý cho thôi việc thì phải nêu rõ lý do; trường hợp chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý mà tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật. Không giải quyết thôi việc đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều