Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy. |
Ngày 7-9, bão Yagi (bão số 3) đã đi vào đất liền gây thiệt hại nặng nề cho một số tỉnh, thành phía Bắc trên đường bão đi qua. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về bão Yagi và sắp tới còn có bao nhiêu cơn bão trong mùa mưa năm 2024, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết:
- Bão Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.
* Vì sao lại có nhận định như trên, thưa ông?
- Theo tài liệu thống kê, các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ.
Chỉ có 2 cơn bão đi từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào khu vực Biển Đông đạt cấp siêu bão nhưng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Đó là cơn bão số 9 (Rai) hoạt động vào tháng
12-2021, đạt cấp 16 trên khu vực Biển Đông, hướng vào miền Trung nhưng sau đi vòng lên và sau đó tan dần trên khu vực Bắc Biển Đông, không ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Cơn bão số 3 (Saola) hoạt động vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2023 đạt cấp 16 trên khu vực Biển Đông, đổ bộ vào khu vực Nam Trung Quốc rồi tan dần và không ảnh hưởng đến nước ta.
Trong quá khứ, có rất nhiều cơn bão mạnh hoạt động trên Biển Đông, có thể liệt kê như: cơn bão Ellen năm 1983, đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc mạnh cấp 15; cơn bão mạnh nhất trong năm 1985 là bão Dot, trước khi đi vào Biển Đông có sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm bão tới trên cấp 17, tuy nhiên khi vào Biển Đông đã giảm chỉ còn ở cấp 15; cơn bão Angela năm 1995 tan trên vịnh Bắc Bộ; cơn bão số 6 (Megi) năm 2010 đổ bộ vào Phúc Kiến (Trung Quốc); cơn bão số 9 (Usagi) năm 2013 đổ bộ vào Quảng Đông, Trung Quốc. Cơn bão số 14 năm 2013 (Haiyan) là cơn bão siêu mạnh, có cường độ mạnh nhất lên tới cấp 17 ở khu vực phía Đông của Philippines, tuy nhiên khi vào Biển Đông, bão Haiyan đã giảm cường độ chỉ còn ở cấp 14, cấp 15. Gần đây, cơn bão số 6 năm 2018 (Mangkhut) cũng chỉ mạnh cấp 15, đổ bộ vào Nam Trung Quốc.
Hiếm khi có bão vào Biển Đông rồi hình thành siêu bão ngay trên Biển Đông và có thể nói là chưa có cơn bão nào khi đi vào Biển Đông mà mạnh lên thành cấp siêu bão. Cụ thể là siêu bão số 3 (Yagi), với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão đạt cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17 trong khoảng thời gian từ sáng 5-9 đến chiều 6-9.
Bão Yagi có quá trình mạnh lên rất nhanh. Từ thời điểm vào Biển Đông vào rạng sáng 3-9, bão mạnh cấp 8; đến hơn 2 ngày sau, bão đã mạnh thêm tới 8 cấp, đạt cấp siêu bão (cấp 16) vào sáng 5-9. Điều này cũng tương đối hiếm gặp đối với bão trên Biển Đông trong thời gian qua. Thời gian duy trì cường độ cấp 16 hơn 1 ngày (từ sáng 5-9 đến chiều 6-9) là khá dài đối với một cơn bão trên Biển Đông.
Như vậy, qua so sánh, có thể nói, cơn bão số 3 năm 2024 (Yagi) là siêu bão có cường độ mạnh nhất hoạt động trên Biển Đông trong khoảng 30 năm gần đây, đổ bộ vào đất liền các tỉnh khu vực Bắc Bộ trong ngày 7-9.
Những đợt gió mùa Tây Nam mạnh sẽ gây mưa lớn diện rộng. Trong tháng 9 và tháng 10-2024, khả năng có những đợt mưa diện rộng với một vài nơi có mưa vừa, mưa to đến rất to kéo dài 5-10 ngày. Mưa lớn diện rộng có thể gây ngập lụt ở khu vực đô thị, các vùng trũng thấp; gây sạt lở đất ở vùng đồi núi, sạt lở bờ sông; suối; gây ra lũ quét ở các sườn dốc, sông suối nhỏ.
* Vì sao những cơn bão lớn như vậy hình thành, có phải do biến đổi khí hậu không, thưa ông?
- Trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai nói chung cũng như bão, áp thấp nhiệt đới đều có những xu hướng ngày càng phức tạp, khó lường về tính chất, cường độ, xu thế, diễn biến và tần suất xuất hiện. Như trong những tháng mùa khô vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện những kỷ lục về nhiệt độ cao nhất, mức độ và thời gian nắng nóng. Hoặc sau một thời gian khá dài, khoảng 10 năm không có lũ lớn xuất hiện trên hệ thống sông Đồng Nai thì từ năm 2019 đến nay, hầu như liên tiếp các năm đều có lũ lớn xuất hiện.
Ảnh hưởng bởi tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, khai thác tài nguyên..., các điều kiện tự nhiên như: khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, nguồn nước, thảm phủ thực vật... đã thay đổi nhiều so với thời gian dài tương đối ổn định trước đó. Biến đổi khí hậu là thuật ngữ dùng để mô tả những thay đổi về trạng thái khí hậu có thể được xác định bằng những thay đổi về mức trung bình và/hoặc sự biến đổi của các đặc tính của nó và tồn tại trong một thời gian dài, thường là hàng thập kỷ hoặc lâu hơn.
Sự xuất hiện của những siêu bão với đường đi, diễn biến phức tạp, khó lường trong những năm gần đây về mức độ, góc độ nào đó có thể nói là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Về thuật ngữ biến đổi khí hậu, cũng cần nói rõ thêm: Biến đổi khí hậu có thể là do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài như: sự điều chỉnh chu kỳ mặt trời, phun trào núi lửa hay những thay đổi kéo dài do con người gây ra trong thành phần của khí quyển, đại dương hoặc trong việc sử dụng đất đai, nguồn nước...
Trụ điện hạ thế gãy đổ vào hàng rào nhà dân tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) sau cơn mưa lớn chiều 4-9. Ảnh: C.T.V |
* Thưa ông, dự báo từ nay đến cuối năm 2024 sẽ xuất hiện thêm những cơn bão nào không?
- Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 4-7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 3-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Mùa mưa bão năm 2024 khả năng kết thúc vào khoảng xấp xỉ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-10 ngày, phổ biến trong khoảng từ ngày
25-11 đến 5-12. Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới cuối mùa ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh.
Quốc lộ 1 đoạn qua phường Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa) ngập lênh láng trong cơn mưa chiều 31-8. Ảnh: Lê Duy |
* Tới đây có xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan nào ở Đồng Nai hay không. Ông có lưu ý gì với người dân để phòng tránh?
- Phần lớn các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ít ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên hoàn lưu của bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng gián tiếp tùy mức độ bão, áp thấp nhiệt đới mạnh hay yếu, gây mưa nhiều cho địa bàn tỉnh khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông.
Từ khoảng tháng 10 đến cuối năm 2024, bão và áp thấp nhiệt đới nếu xuất hiện sẽ có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn đến Nam Bộ nói chung cũng như Đồng Nai nói riêng. Chính vì vậy, mặc dù Đồng Nai là địa phương do vị trí địa lý nên ít có khả năng chịu ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng chúng ta vẫn không nên chủ quan, mà phải chủ động lưu ý đến đặc điểm này để phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại nếu có bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh.
Cần lưu ý thêm, trong trường hợp có bão, áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Nam Trung Bộ và phía Nam Tây Nguyên, sẽ gây mưa lớn ở thượng nguồn các sông chính trên địa bàn Đồng Nai, nước đổ về sẽ gây lũ lớn trên sông Đồng Nai và La Ngà. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ lụt có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng ở các khu vực chịu tác động, gây ra nguy hiểm cho con người, thiệt hại tài sản; gây khó khăn cho đời sống, sinh hoạt và sản suất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản…
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin