Báo Đồng Nai điện tử
En

Yêu cầu phân chia di sản khi thời hiệu phân chia không còn

Đoàn Phú
09:00, 20/09/2024

Pháp luật dân sự có quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Quy định thời hạn để người thừa kế yêu cầu chia di sản. Tranh minh họa: Lê Duy
Quy định thời hạn để người thừa kế yêu cầu chia di sản. Tranh minh họa: Lê Duy

Quy định này không phải ai cũng biết và hiểu đúng nên vẫn còn trường hợp tranh chấp dẫn tới mất tình thân, thời gian lẫn tiền bạc.

Đòi chia tài sản ông ngoại để lại được không?

Bà N.T.Y. (ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho biết, ông ngoại của bà (tên là P.N.) có 2 người con gái là mẹ bà và người dì tên Ba (hiện ở tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1976, mẹ của bà vào Nam lập nghiệp nên ông ngoại bà sống cùng dì Ba. Năm 1980, ông ngoại bà mất (không có di chúc) và có để lại nhà, đất ở quê nên dì Ba của bà quản lý từ đó đến nay. Vừa rồi bà về thăm quê và hay tin dì Ba của bà đã làm thủ tục tặng cho nhà, đất này cho người con trai của dì vào năm 2023.

Bà N.T.Y. muốn biết, việc dì Ba của bà tặng cho con trai nhà, đất là di sản của ông ngoại bà như vậy có đúng không; đồng thời, mẹ của bà có quyền khởi kiện, yêu cầu dì Ba của bà chia di sản của ông ngoại bà để lại được không?

Hay trường hợp bà P.M.T. (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) thắc mắc, ông ngoại của bà (tên là T.V.T.) có 2 người con là mẹ bà và người dì tên T.T.K. Năm 1972, ông ngoại bà mất và để lại 1.700m2 đất (không có di chúc), mẹ bà quản lý sử dụng gần 200m2, phần còn lại dì của bà quản lý, sử dụng từ khi ông ngoại bà mất cho đến nay. Nay dì của bà đòi mẹ của bà trả lại 200m2 phần đất hiện mẹ con bà quản lý, sử dụng trong khối tài sản của ông ngoại bà để lại, như vậy có được không và pháp luật xử lý vấn đề này ra sao?

Vấn đề của bà Y. và bà T. thắc mắc được luật gia Chu Văn Hiển (Hội Luật gia tỉnh) giải thích, do di sản của người chết để lại không có di chúc nên được chia theo pháp luật. Do đó, người được thừa hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của ông ngoại các bà là mẹ và dì của các bà (tức những người con ruột của ông ngoại các bà). Tuy nhiên, do di sản của ông ngoại các bà để lại là nhà và đất nên pháp luật quy định đối với di sản thừa kế là bất động sản thì thời hiệu yêu cầu phân chia di sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Khi hết thời hạn trên, mẹ và dì của các bà không yêu cầu phân chia và cũng không có cam kết đó là tài sản chung chưa chia. Cho nên, qua 30 năm thì di sản của ông P.N. (mất năm 1980) thuộc về người thừa kế đang quản lý là dì Ba của bà Y.; di sản của ông T.V.T. (mất năm 1972) là 200m2 này thuộc về mẹ bà T., còn 1.500m2 là phần của dì bà T.

“Bởi tại khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó” - luật gia Chu Văn Hiển lưu ý.

Khoản 3, Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Hết thời hiệu có kiện được không?

Cũng theo luật gia Chu Văn Hiển, mặc dù khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như vậy nhưng mẹ của bà N.T.Y. và bà P.M.T. vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế từ ông ngoại của các bà chết để lại mà không có di chúc khi đã hết thời hiệu thừa kế.

Bởi, khoản 2, Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Đồng thời, tại khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

“Nếu vụ việc khởi kiện của mẹ các bà đáp ứng được một trong 2 điều kiện trên thì tòa án sẽ thụ lý giải quyết như vụ án, yêu cầu phân chia di sản thừa kế còn trong thời hiệu thừa kế” - luật gia Chu Văn Hiển hướng dẫn.

Đồng quan điểm, luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, mặc dù khoản 2, Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2, Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép các bên yêu cầu hoặc không yêu cầu áp dụng thời hiệu trong giải quyết vụ án, vụ việc tranh chấp thừa kế, nhưng thông thường đã là tranh chấp thì bên hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu sẽ không bao giờ từ bỏ.

“Bởi đây là “bảo bối”, căn cứ quan trọng để họ yêu cầu tòa án bác yêu cầu khởi kiện của bên kia vì lý do đã hết thời hiệu, kết thúc thời hạn khởi kiện thì mất quyền khởi kiện” - luật sư Vũ Duy Nam lưu ý.

Chính vì vậy, luật sư Vũ Duy Nam khuyến cáo, khi khởi kiện, yêu cầu chia di sản thừa kế đã hết thời hiệu, bên yêu cầu, khởi kiện (thường là nguyên đơn) cần cân nhắc thật kỹ trước khi khởi kiện. Bởi khi bên kia yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện và chứng minh được thời hiệu yêu cầu, khởi kiện không còn thì coi như thua kiện. Một khi thua kiện thì không chỉ mất thời gian, tiền bạc mà tình cảm anh em sẽ không còn như trước.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều