Báo Đồng Nai điện tử
En

Bỏ rơi con là hành vi vi phạm pháp luật

Đoàn Phú
09:00, 08/11/2024

Mọi trẻ em (người dưới 16 tuổi) có đầy đủ quyền sống cùng với cha mẹ và cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc, thương yêu, nuôi dưỡng. Do đó, hành vi trốn tránh, bỏ mặc, bỏ rơi con của cha mẹ không chỉ bị xã hội lên án, chê trách mà còn bị pháp luật chế tài nghiêm.

Bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở lô cao su thuộc ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) được người dân nuôi dưỡng. Ảnh: Nhật Quang

Khó cảm thông

Theo UBND xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), địa phương vừa tiếp nhận một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trên địa bàn. Người nhặt được trẻ là chị N.T.T.X. (28 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã Bàu Hàm 2 đã lập biên bản tạm giao trẻ cho chị X. nuôi dưỡng, chăm sóc theo nguyện vọng cho đến khi có người thân đến nhận lại.

Chị X. cho biết, ngày 24-10, khi đi ngang khu vực lô cao su tại địa bàn ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2 thì phát hiện bé trai sơ sinh bị bỏ rơi, nặng khoảng 2,8kg nên chị mang cháu bé về nhà chăm sóc. Sau đó, chị trình báo sự việc với chính quyền xã Bàu Hàm 2.

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng xuất hiện tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh ở ven đường, không ít trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong. Đơn cử như ngày 12-7, một bé gái sơ sinh được người dân phát hiện ở bụi cỏ ven đường tại địa phận xã Tân Tiến, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) trong trạng thái nguy kịch. Em bé không được mặc tã, người dính đầy đất bẩn, vết côn trùng đốt… khiến ai thấy cũng phải xót xa. Rất may, bé đã được người dân đưa vào bệnh viện và đã được cứu sống kỳ diệu.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân của thực trạng trên là do hoàn cảnh sống khó khăn, nhận thức không đầy đủ về hành vi vi phạm pháp luật khi bỏ rơi con; nhiều người chưa cảm thông và chia sẻ với các bà mẹ đơn thân; phần lớn các bà mẹ đơn thân không có đủ khả năng tài chính để chăm sóc con… Đáng chú ý, việc thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản đã làm gia tăng hiện tượng có thai ngoài ý muốn từ những cô gái trẻ, chưa kết hôn.

Chị Nguyệt Hạ (ngụ xã Bàu Hàm 2) bày tỏ, những người mẹ bỏ rơi con khi còn rất nhỏ (vài ngày tuổi) ngoài đường, vườn rẫy, dù gặp phải tình cảnh khó khăn gì đi nữa cũng rất khó chấp nhận. Việc này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, nên cần phải xử lý nghiêm.

Tương tự, ông Nguyễn Khánh Việt (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cũng cho rằng, việc mẹ bỏ rơi con, nhất là khi đứa trẻ còn sơ sinh, dù với lý do gì cũng khó được cảm thông. Vì người mẹ ấy có thể làm thủ tục cho con, giao con cho các tổ chức hợp pháp hoặc cá nhân nuôi dưỡng. Do đó, cần xử lý thật nghiêm, quyết liệt hành vi bỏ rơi con để cảnh tỉnh những bậc cha mẹ cố tình vứt bỏ, bỏ rơi con ngoài đường, chợ, vườn rẫy…

“Việc cha mẹ không có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc giao con cho người khác nhận làm con nuôi; nhờ người thân chăm sóc, nuôi dưỡng tuy không bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng pháp luật bắt buộc phải tuân thủ các quy định về quyền trẻ em; cho và nhận con nuôi; tìm người nuôi dưỡng thay thế…” - luật gia LƯƠNG VĂN HÙNG (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) lưu ý.

Cần chế tài nghiêm

Trước thực trạng trẻ bị bỏ rơi nêu trên, luật sư Chu Văn Hiển (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và các văn bản dưới luật quy định khá cụ thể về trách nhiệm của cha mẹ đối với con, cho nhận con nuôi, xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm quyền trẻ em…

Theo đó, các hành vi bỏ mặc, bỏ rơi, không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, cho nhận con nuôi trái quy định pháp luật… là hành vi bị luật cấm. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người thực hiện các hành vi trên có thể bị chế tài hành chính hay hình sự.

Cũng theo luật sư Chu Văn Hiển, theo Điều 21 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có quy định, xử phạt từ 10-25 triệu đồng đối với cha mẹ có hành vi không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình; cố ý bỏ rơi con.

Còn với trường hợp người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (khoản 2, Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bên cạnh đó, tại điểm b, khoản 3, Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7 -2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, còn có quy định hành vi lợi dụng việc cho, nhận trẻ em làm con nuôi để trục lợi bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Đoàn Phú

Từ khóa:

cha mẹ

Tin xem nhiều