Thời gian gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã xảy ra ngập lụt sau những cơn mưa lớn kéo dài làm thiệt hại nhiều tài sản, cây trồng, ảnh hưởng đời sống của người dân. Để ứng phó với các sự cố do mưa bão vào thời điểm cuối năm, các lực lượng chức năng trong tỉnh luôn sẵn sàng các phương án và lực lượng cứu nạn, ứng phó thiên tai, hỗ trợ người dân.
Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Biên Hòa tìm kiếm, cứu người bị nạn ở khu vực ngập lụt tại phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) vào sáng 29-10. Ảnh: C.T.V |
Căng sức trên tuyến đầu chống ngập
Trong 2 ngày 28 và 29-10, cơn bão số 6 gây mưa lớn kéo dài đã làm ngập một số xã, phường tại thành phố Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc… Lúc này, một số khu vực trũng, thấp bị ngập sâu, khiến người dân và phương tiện không thể di dời đến nơi an toàn. Trước tình hình trên, nhiều lực lượng thuộc Công an tỉnh, công an các địa phương đã đến vùng ngập nước để cứu người và tài sản.
Điển hình như sáng 29-10, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Biên Hòa đã cùng Công an phường Phước Tân đưa 10 người dân (có 1 trẻ sơ sinh) từ khu ngập nước tại khu phố Miễu (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) đến nơi an toàn. Hay trước đó, chiều 28-10, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Trảng Bom đưa 4 người và 1 xe tải 2,5 tấn ra khỏi khu vực ngập tại ấp 2, xã An Viễn, huyện Trảng Bom.
Công an các xã, phường tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh cũng tổ chức hỗ trợ người dân di dời tài sản, phương tiện đến khu vực cao. Đồng thời, tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường lớn, các bờ sông, suối, cầu dân sinh để cảnh báo người dân khi xảy ra ngập nước, hạn chế nguy cơ bị nước cuốn.
Theo UBND phường Phước Tân, rạng sáng 29-10, tại khu phố Miễu có khoảng 300 hộ dân bị ngập cục bộ một số khu vực với diện tích khoảng 10 ngàn m2. Trong đó, các tổ 9A, 9B, 9C có khoảng 100 hộ dân bị cô lập chưa thể tiếp cận được do mực nước dâng quá cao, chảy xiết, địa phương không đủ phương tiện hỗ trợ, đặc biệt một số nơi tại khu phố Miễu nước có độ sâu khoảng 1,2-1,7m.
Cùng với đó, tại khu vực Trường trung học cơ sở Phước Tân 1 và Trường tiểu học Phước Tân 1 (đều tại phường Phước Tân) nước ngập cục bộ từ 0,7-1,2m, để đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường đã thông báo cho học sinh nghỉ học ngày 29-10. Công an phường, Ban Chỉ huy quân sự phường và lực lượng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở đã hỗ trợ người dân kê cao tài sản và di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ ngập sâu.
Phó hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phước Tân 1 Phan Bùi Trọng cho hay, khi nước bắt đầu rút, giáo viên, nhân viên nhà trường đã nhanh chóng quét dọn, vệ sinh trường, lớp. Đến khuya 29-10, việc vệ sinh, dọn dẹp sau khi nước rút đã hoàn thành, đảm bảo ngày 30-10, học sinh đi học trở lại bình thường.
Ngày 24-10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương theo dõi diễn biến của cơn bão số 6 và chủ động ứng phó mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông. Theo đó, các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi tình hình thiên tai, báo cáo kịp thời diễn biến về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy) để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Chủ động ứng phó khi mưa lớn kéo dài
Để kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, thời gian qua, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp như khuyến cáo người dân và củng cố lực lượng sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố.
Giữa tháng 10-2024, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn thành phố Biên Hòa đã đề nghị các cơ quan, ban, ngành, phường, xã kiểm tra các khu vực xung yếu, khu vực ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Qua đó chủ động di dời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; rà soát phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai của địa phương; sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để chủ động, kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Một khu dân cư ở khu phố Miễu, phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) ngập sâu vào ngày 29-10-2024. |
Đồng thời, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an cũng khuyến cáo, trước khi xảy ra lũ lụt, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ để chủ động đối phó. Nhanh chóng di chuyển các thiết bị và vật dụng có giá trị ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt như các tầng thấp hoặc tầng hầm. Đặc biệt, người dân phải chủ động sơ tán khỏi vùng ven sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ lụt đến nơi an toàn.
Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Văn Hải khuyến cáo người dân sau khi xảy ra lũ, lụt cần cần ngắt điện ở hộp cầu chì, aptomat hoặc cầu dao chính cho đến khi ngôi nhà của mình được làm khô an toàn. Cùng với đó, phải kiểm tra hệ thống gas, kiểm tra và tìm các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ, kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường xem có vết nứt hoặc các hư hỏng khác để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị đổ sập.
Đặc biệt, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương ứng trực, sẵn sàng các phương án, phương tiện, nhân lực để ứng cứu sự cố ngập lụt, nước cuốn, thiên tai, nhất là trang thiết bị, phương tiện cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận các khu vực ngập sâu, các vị trí bị sạt lở ven sông, suối… nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Minh Thành
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin