Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn

Lê Duy
08:39, 15/11/2024

Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH), tình trạng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật lang thang, xin ăn trên địa bàn, đặc biệt là tại thành phố Biên Hòa, hiện vẫn xảy ra.

Một người xin ăn trên đường Phan Trung (thành phố Biên Hòa). Ảnh: L.Duy
Một người xin ăn trên đường Phan Trung (thành phố Biên Hòa). Ảnh: L.Duy

Dù thành phố Biên Hòa đã có biện pháp xử lý các trường hợp lang thang, xin ăn nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để. Khi không có lực lượng chức năng, các đối tượng này vẫn ra đường xin ăn.

Người lang thang, xin ăn vẫn còn

Tại thành phố Biên Hòa, các đối tượng lang thang, xin ăn vẫn xuất hiện tại cổng chợ, giao lộ và các tuyến đường đông người qua lại. Thậm chí, họ còn tụ tập thành nhóm để xin tiền trên vỉa hè, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại một số tuyến đường và ngã tư lớn ở thành phố Biên Hòa như: đường Nguyễn Ái Quốc, đường Cách Mạng Tháng Tám, ngã tư Amata…, tình trạng người xuống đường xin tiền vẫn còn xảy ra. Cụ thể, tại khu vực ngã tư Tân Phong hay dọc tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, vào buổi tối và khuya có một số người tụ tập xin ăn trên vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị.

Chị Nguyễn Thị Thơ (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) kể lại: “Nhiều lần dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Amata, tôi thấy có một số trẻ em tầm 7-8 tuổi ùa ra xin tiền. Có hôm trưa nắng gắt, trời nóng như đổ lửa nhưng các em vẫn đeo bám các xe dừng chờ đèn đỏ để xin tiền. Nếu để các em xin tiền như vậy suốt cả ngày, thực sự quá nguy hiểm và quá tội”.

Trước thực trạng đó, anh Huỳnh Tấn Tài (ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) kiến nghị, thành phố Biên Hòa cần có các giải pháp thiết thực, lâu dài hơn để hỗ trợ những người lang thang, xin ăn ổn định cuộc sống và góp phần xây dựng môi trường đô thị văn minh, sạch đẹp.

Trưởng phòng LĐTBXH thành phố Biên Hòa Lưu Kim Sáng cho biết, đa số người lang thang, ăn xin hiện nay từ nơi khác đến. Để qua mặt cơ quan chức năng, nhiều đối tượng ẵm trẻ em theo bán vé số rồi xin tiền; có đối tượng đẩy xe người khuyết tật vừa bán tăm bông, vừa xin tiền; khi lực lượng chức năng đến thì đối tượng chuyển qua bán vé số, tăm bông, lực lượng chức năng đi thì xin tiền. Vào các ngày lễ, rằm, tại các chùa hoặc các điểm công cộng, buổi tối các đối tượng ngồi tại các khu vực đông người qua lại chờ các cá nhân, tổ chức đến cho đồ ăn hoặc tiền.

Theo Phòng LĐTBXH thành phố Biên Hòa, trong 10 tháng của năm 2024, có 19 đối tượng lang thang, tâm thần và ăn xin được mời về làm việc. Trong đó có 15 đối tượng được đưa vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (đa phần là người đến từ các địa phương ngoài tỉnh), có 4 đối tượng được gia đình bảo lãnh về.

Tập trung giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn

Trước tình trạng người lang thang, xin ăn vẫn hoạt động trên địa bàn, trong đó có thành phố Biên Hòa, ngày 2-10, Sở LĐTBXH có văn bản đề nghị các địa phương trong tỉnh, trong đó có thành phố Biên Hòa, tập trung giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn. Trong đó yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng hình ảnh, pa-nô, áp-phích tại các giao lộ (ngã tư, ngã ba) về việc tệ nạn lang thang, xin ăn làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, trật tự an toàn xã hội, mỹ quan đô thị; tuyên truyền đến người dân không nên cho tiền người lang thang, xin ăn nhằm giảm tình trạng người lang thang, xin ăn.

Ngoài ra, Sở LĐTBXH đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng LĐTBXH huyện, thành phố chủ trì phối hợp với UBND và công an xã, phường tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý các đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng người lang thang, xin ăn để trục lợi, theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đối tượng người của địa phương đi xin ăn và lang thang tại địa phương khác; lập hồ sơ và bàn giao các đối tượng lang thang, xin ăn thuộc địa phương khác đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để quản lý, xử lý theo đúng quy định.

Theo Phòng LĐTBXH thành phố Biên Hòa, hàng năm, UBND thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã lập kế hoạch tập trung, quản lý người lang thang, xin ăn. Các đơn vị phối hợp trong các đợt xử lý tại các khu vực như ngã tư Amata, công viên Long Bình, ngã tư Vũng Tàu, ngã tư Vincom. Tổ công tác kiêm nhiệm được thành lập, hỗ trợ người lang thang hồi gia, ổn định cuộc sống và xử lý tái phạm. Công an thành phố được yêu cầu phối hợp chặt chẽ, kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu và xử lý nhà nghỉ, trọ không khai báo tạm trú.

Ngày 16-10, UBND thành phố Biên Hòa có văn bản giao nhiệm vụ cho Phòng Văn hóa và thông tin, Phòng LĐTBXH thành phố triển khai các giải pháp, tăng cường thực hiện công tác tập trung giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố theo đề nghị của Sở LĐTBXH.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Biên Hòa, Phòng Văn hóa và thông tin thành phố Biên Hòa phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao thành phố Biên Hòa cùng UBND 30 phường, xã thực hiện vận động cơ sở kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch; các trạm kinh doanh xăng, dầu; các bến xe, chợ; các địa bàn phường, xã có các ngã ba, ngã tư giao nhau các đường lớn… cam kết không để đối tượng lang thang, ăn xin, xin tiền trong khuôn viên, địa bàn. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền, giáo dục, răn đe, xử lý kịp thời người vô gia cư, người ăn xin, lang thang cơ nhỡ, tâm thần đeo bám khách tại các điểm dịch vụ công cộng, khu tham quan du lịch; đình, đền, chùa…

Đặc biệt, các cơ quan, ban, ngành, phường, xã của thành phố Biên Hòa còn vận động, tuyên truyền các gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc xin ăn. Ngăn chặn tình trạng chăn dắt hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế đi xin ăn để trục lợi.

Lê Duy

Tin xem nhiều