Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với chiêu 'sale sập sàn' trên mạng xã hội

Lê Duy
09:00, 03/12/2024

Cuối năm cũ, đầu năm mới là mùa mua sắm lớn nhất trong năm với nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội (MXH). Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng lừa đảo tung ra nhiều chiêu thức tinh vi như: tạo website giả mạo đăng thông tin “sale sập sàn”, gửi email, gọi điện nhận quà khuyến mãi, tri ân khách hàng để lừa đảo…

Trang thông tin giả mạo đăng bài giảm giá 75% nhân dịp Black Friday trên mạng xã hội dẫn dụ người mua hàng. Ảnh chụp màn hình

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Cũng như mọi năm, dịp Black Friday 2024 (tại Việt Nam “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 diễn ra từ ngày 25-11 đến ngày 1-12), anh P.H.K.T. (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) háo hức “săn sale” để mua sắm các món đồ yêu thích cho gia đình với giá hời. Trong lúc lướt Facebook, anh tình cờ thấy một bài đăng giảm giá hấp dẫn từ Fanpage “M.S Việt Nam” - thương hiệu phụ kiện âm thanh nổi tiếng. Bài đăng thu hút anh bởi dòng quảng cáo: “Khuyến mãi 75% cho các sản phẩm âm thanh”, kèm đường link dẫn đến một trang web có giao diện chuyên nghiệp, rất giống website chính thức của hãng. Do thời hạn giảm giá trên web hiển thị chỉ còn vài tiếng, anh K.T. nhanh chóng mở link này đặt mua một chiếc tai nghe với giá rẻ hơn 50% so với giá thị trường. Tuy nhiên, khi nhận hàng và sử dụng, anh mới phát hiện đây là sản phẩm giả mạo.

“Khi nhận ra hàng giả, tôi mới kiểm tra lại fanpage này thì thấy lượng tương tác rất ít, chỉ những bài viết quảng cáo giảm giá mới có nhiều người hỏi mua. Thậm chí, thời hạn giảm giá trên web vẫn tiếp tục đếm ngược dù đã vài ngày trôi qua” - anh K.T. chia sẻ.

Trong vai người mua hàng, chúng tôi truy cập fanpage “M.S Việt Nam” và nhập thông tin mua hàng trên website. Chưa đầy 5 phút sau, nhân viên tư vấn gọi điện để xác nhận đơn hàng, cam kết đây là sản phẩm chính hãng với đầy đủ tem nhãn. Khi chúng tôi hỏi về lý do giảm giá, người này giải thích rằng, do cửa hàng mới khai trương. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý sẽ đến trực tiếp mua hàng, nhân viên lập tức thúc giục phải đặt ngay vì khuyến mãi chỉ có trong ngày. Khi thấy không thể thuyết phục chúng tôi, người này cúp máy và không thể liên hệ lại.

Những câu chuyện như anh K.T. gặp không phải hiếm, nhất là trong dịp mua sắm Black Friday, mùa khuyến mãi cuối năm là thời điểm các chiêu thức lừa đảo trực tuyến gia tăng với tần suất cao. Trong đó, các đối tượng lừa đảo còn giả danh các sàn thương mại điện tử, các thương hiệu nổi tiếng, các shop để lừa đảo.

Trên website của một sàn thương mại điện tử nổi tiếng đã khuyến cáo đến khách hàng, các hình thức lừa đảo bằng việc: thông báo trúng thưởng, tặng quà miễn phí, bán hàng giá rẻ trên MXH dưới danh nghĩa sàn thương mại điện tử đang dần trở thành vấn nạn đối với người dùng MXH.

Chẳng hạn, hình thức lừa đảo bán hàng giá rẻ, giá hời trên MXH, hội nhóm trên các nền tảng MXH là hình thức lừa đảo bằng việc đăng bán các sản phẩm giá rẻ trên MXH (Facebook, Zalo...) với lý do chương trình liên kết giữa sàn thương mại điện tử và đối tác. Sau khi người mua liên hệ mua hàng, bên lừa đảo sẽ yêu cầu người mua kết bạn và đặt hàng qua Zalo, hoặc các kênh liên hệ khác (điện thoại, tin nhắn, Telegram…). Các đơn hàng bên lừa đảo gửi tới người mua thường là hàng kém chất lượng, hàng giả, không đúng với thông tin đăng bán. Người mua đã thanh toán tiền hàng nhưng lại nhận được các sản phẩm không như mong muốn.

Hiện nay, theo phản ánh của một số người thường mua hàng trực tuyến, nguy cơ lọt lộ thông tin khi mua hàng trên MXH rất lớn. Một trong những nguyên nhân là do người dùng MXH để lại thông tin cá nhân, số điện thoại trên bài đăng Facebook của shop bán hàng hoặc trong các buổi live stream bán hàng, các chủ cửa hàng kêu gọi khách để lại số điện thoại để được tư vấn, chốt đơn. Do đó, người dùng MXH cần bảo vệ thông tin cá nhân của mình trên MXH. Khi mua hàng cần nhắn riêng cho shop để bảo mật thông tin.

Cảnh giác với trang web lạ, giảm giá bất thường

Trước thực trạng này, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông đã đưa ra các khuyến nghị và giải pháp nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, người dân cần cảnh giác cao với các chương trình khuyến mãi có giá giảm quá bất thường. Nếu thấy một sản phẩm có giá rẻ hơn thị trường đến 70-80%, cần kiểm tra kỹ nguồn gốc của website. Chỉ nên mua sắm trên các trang web chính thức, có bảo mật tốt, được nhận diện bằng ký hiệu ổ khóa trên thanh địa chỉ.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người tiêu dùng nên xác minh thông tin qua các kênh chính thức. Khi nhận được email, tin nhắn quảng cáo hoặc thông báo từ ngân hàng, cần liên hệ trực tiếp với tổ chức để kiểm tra. Tránh nhấp vào các đường link lạ, không quét mã QR từ những nguồn không đáng tin cậy và không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả những người tự xưng là nhân viên ngân hàng.

Theo khuyến cáo của một sàn thương mại điện tử, khách hàng không nên mua hàng giá rẻ, giá hời trên MXH, hội nhóm trên các nền tảng MXH. Chỉ đặt hàng và thanh toán trên website chính thức hoặc ứng dụng của các sàn thương mại điện tử uy tín. Đồng thời, khách hàng không nên nhận quà tặng miễn phí. Cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn tự xưng từ sàn thương mại điện tử liên hệ để thông báo trúng thưởng/tặng quà miễn phí và yêu cầu phải thanh toán phí vận chuyển/phụ phí để nhận các món quà này. Cảnh giác với những trang web, tài khoản MXH lạ (hội nhóm Facebook, Zalo…) mạo danh các sàn thương mại điện tử để quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ, tặng quà miễn phí…

Lê Duy

Tin xem nhiều