Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Tết. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các đối tượng lừa đảo lợi dụng đưa ra những lời mời hấp dẫn, hứa hẹn công việc dễ dàng với mức lương cao, khiến không ít người “sập bẫy”.
Ảnh trái: Trang web được trình bày chuyên nghiệp như một sàn thương mại điện tử để yêu cầu người tham gia làm “nhiệm vụ” trên trang web này. Ảnh phải: Một người tuyển dụng việc làm hướng dẫn các bước làm “nhiệm vụ” trên trang web đã gửi trước đó. Cấp sổ đỏ cho đất có nguồn gốc đất nông trường mang tên người khác |
Chiêu thức cũ, nạn nhân mới
Anh N.H.D. (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, sinh viên Trường đại học Đồng Nai) kể lại, anh vừa bị lừa đảo khi tìm việc online. Với mong muốn kiếm thêm thu nhập dịp cuối năm, anh D. đã gửi hồ sơ qua các trang web tuyển dụng. Sau đó, có người tự xưng là trưởng phòng kinh doanh của một công ty truyền thông gọi điện cho anh và giới thiệu công việc chỉ cần “like” video trên YouTube, mỗi lượt sẽ nhận 30 ngàn đồng. Ban đầu, anh D. hoàn thành 3 nhiệm vụ và được chuyển 90 ngàn đồng. Người này còn hứa hẹn thu nhập lên đến 30 triệu đồng/tháng nếu anh D. làm đều đặn.
Tiếp theo, người này yêu cầu anh D. chuyển sang ứng dụng Telegram để nhận hướng dẫn chi tiết về công việc. Các nhiệm vụ sau liên quan đến mua hàng qua link được cung cấp, giá trị đơn hàng tăng dần. Anh D. được yêu cầu nạp tiền trước để thực hiện nhiệm vụ, với cam kết hoàn lại và kèm thưởng. Sau vài lần “lời nhẹ”, đến nhiệm vụ trị giá 2,5 triệu đồng, anh bị báo mua sai hàng và mất toàn bộ số tiền. Hy vọng gỡ lại, anh tiếp tục làm nhiệm vụ khác nhưng tiếp tục bị lừa, mất tổng cộng gần 3 triệu đồng.
Câu chuyện của anh D. không phải trường hợp duy nhất. Không dừng lại ở các lời mời trực tiếp qua mạng xã hội, các đối tượng còn lập nhiều website giả mạo, đăng tải thông tin tuyển dụng với các ưu đãi hấp dẫn hoặc yêu cầu người lao động điền vào mẫu thông tin cá nhân để được phỏng vấn. Một số trang còn yêu cầu cung cấp mã OTP từ tin nhắn ngân hàng, dẫn đến việc tài khoản bị chiếm đoạt và tiền trong tài khoản “bốc hơi”.
Chẳng hạn như trường hợp của anh T.Q.H. (ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) bị lừa đảo khi tìm việc làm qua một ứng dụng di động. Anh H. kể, ứng dụng này quảng cáo là nền tảng kết nối người tìm việc với nhà tuyển dụng, nhìn khá chuyên nghiệp. Anh tải ứng dụng về, đăng ký tài khoản và chọn một công việc giao hàng thời vụ. Họ yêu cầu nộp 500 ngàn đồng phí bảo hiểm lao động nhưng sau khi chuyển tiền thì không nhận được bất kỳ thông tin nào về việc làm. Khi anh liên hệ với bộ phận hỗ trợ, họ không trả lời, sau đó ứng dụng không thể truy cập được nữa.
Thực tế, chỉ cần dạo một vòng các hội nhóm tìm việc làm trên Facebook, dễ dàng bắt gặp hàng loạt lời mời chào hấp dẫn với nội dung “việc nhẹ lương cao” như: soạn thảo văn bản, viết nội dung theo yêu cầu, hay phổ biến hơn là quản lý trang bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Khi chúng tôi đăng tải nội dung có nhu cầu tìm việc trên hội nhóm này, ngay lập tức nhận được hàng loạt tin nhắn mời làm việc online tại nhà. Điểm chung của các lời mời này là yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và truy cập vào một đường link có giao diện được thiết kế chuyên nghiệp, giống hệt trang của một sàn thương mại điện tử lớn.
Sau khi tạo tài khoản và liên kết ngân hàng qua đường link theo hướng dẫn, chúng tôi được giao nhiệm vụ đầu tiên: mua một món hàng bất kỳ để nhận hoa hồng. Ban đầu, các món hàng có giá trị nhỏ, tiền thưởng cũng được chuyển ngay để tạo niềm tin. Tuy nhiên, các nhiệm vụ sau đó tăng dần giá trị món hàng, buộc chúng tôi nạp thêm tiền vào tài khoản liên kết; yêu cầu tải ứng dụng Telegram để tiếp tục trao đổi công việc, trông rất chuyên nghiệp và bài bản. Do biết trước thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nên chúng tôi đã không “sập bẫy” các đối tượng này.
Theo Cục An toàn thông tin, trong trường hợp phát hiện hành vi lừa đảo, người dân nên nhanh chóng liên hệ cơ quan chức năng để được hỗ trợ, truy vết và xử lý các đối tượng xấu.
Cảnh giác trước những lời mời tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) vừa đưa ra khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi tiếp nhận các tin nhắn có nội dung đáng ngờ trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook... Nếu phát hiện tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo cáo ngay để tránh gây hại cho người khác. Đặc biệt, tuyệt đối không nhấp vào các đường link được gửi từ nguồn không đáng tin cậy, không cung cấp thông tin cá nhân hoặc số tài khoản ngân hàng. Đồng thời, tránh cài đặt ứng dụng từ các đường link lạ và không kích hoạt chế độ “cho phép cài đặt từ nguồn không xác định” trên điện thoại.
Theo Cục An toàn thông tin, các đối tượng lừa đảo thường đánh vào điểm yếu là sự cả tin và thiếu hiểu biết về pháp luật của người lao động. Các đối tượng dùng các chiêu trò như: hứa hẹn mức lương cao, công việc đơn giản, không cần kinh nghiệm để dụ dỗ nạn nhân. Khi nạn nhân “sập bẫy”, các đối tượng liên tục đưa ra các khoản phí không rõ ràng để chiếm đoạt tiền.
Tháng 11-2024, Công an huyện Xuân Lộc cũng có cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo tinh vi lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của người dân trên các nền tảng trực tuyến. Các đối tượng thường lập các fanpage giả mạo doanh nghiệp hoặc tổ chức uy tín như ngân hàng, trung tâm tiêm chủng... để đăng tin tuyển dụng. Những bài đăng này thường được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý của người tìm việc.
Sau khi người bị hại liên hệ, các đối tượng sẽ gửi email với địa chỉ gần giống tên của các tổ chức thật (chỉ khác một dấu chấm, ký tự hoặc thêm chữ). Những email này được thiết kế rất chuyên nghiệp nhằm tạo niềm tin. Tiếp đó, để kiểm tra năng lực, các đối tượng yêu cầu người bị hại tham gia các “nhiệm vụ phúc lợi” như chuyển khoản một số tiền nhỏ để thực hiện nhiệm vụ online.
Lần đầu, người bị hại thường nhận lại đầy đủ số tiền cùng với “hoa hồng”, khiến họ tin tưởng. Tuy nhiên, ở những lần sau, các đối tượng sẽ viện cớ như “thao tác sai”, “chuyển thiếu” hoặc “thao tác trùng lặp” để yêu cầu nạp thêm tiền. Nhiều nạn nhân vì muốn lấy lại số tiền đã mất và tin tưởng vào lần nhận tiền đầu tiên, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau với số tiền cao hơn. Đến khi không còn khả năng tài chính, họ mới nhận ra mình đã bị lừa.
Lê Duy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin