Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người. Việc phân loại, xử lý CTRSH đúng cách không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn tránh bị xử phạt theo quy định hiện hành.
ADVERTISEMENT
![]() |
Người dân ấp Bình Chánh, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) đã hình thành thói quen bỏ rác đúng quy định. Ảnh: Đ.Phú |
Để người dân hiểu đúng và chấp hành quy định phân loại CTRSH, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phân loại CTRSH tại nguồn rất quan trọng.
Nhận diện chất thải rắn sinh hoạt
ADVERTISEMENT
Để hướng dẫn người dân phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định, ngày 18-1-2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (gọi tắt Quyết định 04, có hiệu lực từ ngày 15-2-2024).
Theo đó, chất thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại tại nguồn thành 5 nhóm. Nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, cao su). Nhóm chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, hư; vỏ trái cây, rau củ; bã trà, giấy ăn, hoa lá, xác động vật và các loại khác có tính chất, thành phần tương tự). Nhóm chất thải cồng kềnh (là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như: tủ, giường, nệm, bàn, ghế, gốc cây, thân cây, cành cây và vật dụng khác tương tự). Nhóm chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động sinh hoạt (pin, ắc quy, bình đựng hóa chất tẩy rửa, bình xịt côn trùng thải, bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn điện tử, thiết bị điện tử, dược phẩm hết hạn và các loại thiết bị điện tử gia dụng không còn giá trị sử dụng). Nhóm CTRSH khác.
ADVERTISEMENT
Luật gia Chu Văn Hiển (thuộc Hội Luật gia tỉnh) hướng dẫn, tại Điều 6 Quyết định 04 quy định, bao bì chứa nhóm chất thải thực phẩm có “màu xanh lá cây” đảm bảo tránh rò rỉ nước và phát tán mùi; bao bì chứa nhóm chất thải sinh hoạt khác có “màu xám”; nhóm chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt được lưu chứa trong bao bì (trừ bao bì có màu xanh lá cây và màu xám); hộ gia đình, cá nhân tự quyết định việc sử dụng các loại bao bì, thiết bị lưu giữ, chứa nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, nhóm chất thải cồng kềnh (trừ bao bì có màu xanh lá cây và màu xám)…
Cũng theo luật gia Chu Văn Hiển, kể từ ngày 1-1-2025, một khi hộ gia đình, cá nhân không thực hiện đúng quy định về phân loại, dùng bao bì, thùng, thiết bị chứa CTRSH sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng theo khoản 1, Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (gọi tắt Nghị định 45). Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn cho phép cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định.
Điểm d, khoản 2, Điều 25 Nghị định 45 quy định, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Cần hình thành thói quen văn hóa, văn minh
Việc phân loại CTRSH tại nguồn không chỉ nhằm mục đích bảo vệ môi trường, mà còn là thói quen, hành vi văn hóa, văn minh của mọi người dân; ý thức, trách nhiệm với môi trường sống. Tại Đồng Nai, nhiều địa phương, nhất là các địa phương đang xây dựng và thực hiện nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu…, đã nhanh chóng triển khai và đã hình thành thói quen phân loại CTRSH trong dân.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Chánh, xã Tân An (huyên Vĩnh Cửu) Đặng Hà Phương Liên cho biết, quá trình phân loại CTRSH tại gia đình giúp cho CTRSH có thể tái sử dụng, bán hoặc việc thu gom dễ dàng, an toàn hơn. Chính vì người dân ý thức được vấn đề phân loại CTRSH là hữu ích nên đa phần có ý thức cao, hình thành thói quen trong việc phân loại CTRSH tại nhà.
Mặc dù đến nay, Nghị định 45 quy định xử phạt việc người dân không phân loại CTRSH tại gia đình đã có hiệu lực nhưng nhiều địa phương vẫn chưa quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe; vẫn còn trường hợp CTRSH được người dân phân loại, nhưng đơn vị thu gom lại đổ chung với rác chưa phân loại, gây lãng phí công sức.
Ông Trần Văn Ngọc (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết, gia đình ông đã chủ động phân loại CTRSH, nhưng các phương tiện thu gom rác vẫn chưa đáp ứng theo điểm c, khoản 1, Điều 8 Quyết định 04 của UBND tỉnh như: phương tiện thu gom, vận chuyển được sơn màu xanh lá cây, phải có dòng chữ “THU GOM CHẤT THẢI THỰC PHẨM” khi thu gom, vận chuyển đối với nhóm chất thải thực phẩm. “THU GOM CHẤT THẢI RẮN TÁI CHẾ, SINH HOẠT KHÁC” (không thu gom chất thải thực phẩm) khi thu gom, vận chuyển nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm CTRSH khác. Do đó, ông Ngọc thắc mắc nếu đơn vị thu gom rác vi phạm thì hành vi này bị xử lý ra sao?
Luật gia Chu Văn Hiển giải đáp, theo khoản 5, Điều 26 Nghị định 45 thì hành vi không bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ CTRSH tại những địa điểm đã quy định; sử dụng các phương tiện, thiết bị không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; không bố trí các thiết bị, phương tiện để thu gom, vận chuyển CTRSH theo quy định bị phạt tiền từ 20-50 triệu đồng.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin