Trẻ em (người dưới 16 tuổi) có quyền riêng tư. Việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
ADVERTISEMENT
![]() |
Một phụ huynh khoe ảnh con cầm lá bài, không phù hợp với lứa tuổi. Ảnh: internet |
Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn không ít bậc phụ huynh vô tư phơi bày đời sống riêng tư, hình ảnh con em trên mạng xã hội (MXH).
Vô tư chia sẻ hình ảnh con trẻ lên mạng xã hội
ADVERTISEMENT
Để tài khoản MXH (như Facebook, Zalo, TikTok…) của mình được nhiều người biết đến, “câu like”, “câu view”, nhiều phụ huynh không ngần ngại chia sẻ các hình ảnh con em mình lên MXH, trong đó có cả những hình ảnh hoặc hành động không đẹp của trẻ như: gào khóc, ăn nói hỗn hào với người lớn…
Chẳng hạn, tài khoản Facebook Th… hay đưa kết quả học tập của con lên Facebook cùng với việc tỏ thái độ khó chịu khi con không đạt được kết quả như ý muốn. Hoặc như tài khoản Zalo La… còn đưa cảnh dạy con ăn nói thô tục, hỗn với người thân, ông bà để lấy tiếng cười.
ADVERTISEMENT
Chị Ngọc Hiệp (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) bày tỏ, việc phụ huynh vô tư đưa hình trẻ lên MXH còn có nguy cơ bị một số người dùng MXH khai thác, cắt ghép các hình ảnh của trẻ em được đăng tải vào mục đích xấu như: lừa đảo, kêu gọi từ thiện, bạo lực, khiêu dâm, buôn bán người…, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, xâm phạm quyền trẻ em, tác động đến tâm sinh lý của trẻ.
“Trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em” - luật gia CAO SƠN HÀ (Hội Luật gia tỉnh) cho biết.
Thực hiện đúng quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em
Luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
Theo luật sư Ngô Văn Định, tại Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016 quy định, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Cũng theo luật sư Ngô Văn Định, trước nhu cầu ứng xử xã hội trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường MXH nhân ái, nhân văn, tuyệt đối tôn trọng quyền trẻ em, Bộ Thông tin và truyền thông (nay là Bộ Khoa học và công nghệ) đã ban hành Quyết định 88/QĐ-BTTTT ngày 21-1-2025 về quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (gọi tắt Quyết định 88) đang được dư luận quan tâm.
Theo Điều 4 Quyết định 88, không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ mà chưa được sự đồng ý của trẻ, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật. Không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ em cho các mục đích có nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ em.
Đồng thời, Điều 5 Quyết định 88 nêu rõ, khi tham gia MXH, các em cần dũng cảm phản ánh, tố giác tới các cơ quan chức năng khi gặp phải hoặc phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em, rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, nội dung độc hại đối với trẻ em. Không tham gia các hoạt động bè phái, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè hoặc các trẻ em khác.
Đặc biệt là tại Điều 7 Quyết định 88 quy định: không chia sẻ các nội dung độc hại cho trẻ em ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Không chia sẻ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng khi chưa có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên. Không bình luận, không có các hành vi hoặc cổ súy cho các hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, tình cảm của trẻ em trên các diễn đàn, mạng xã hội. Không lôi kéo, thu hút, dụ dỗ trẻ tham gia các hoạt động trên môi trường mạng khi chưa có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
Tại khoản 1, Điều 31 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có quy định, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; hình ảnh cá nhân…
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin