Vừa qua, mạng xã hội (MXH) xôn xao trước vụ live stream ồn ào xoay quanh đời tư giữa streamer ViruSs (tên thật Đặng Tiến Hoàng), rapper Pháo (Nguyễn Diệu Huyền) và hotgirl Ngọc Kem - người yêu cũ của ViruSs.
ADVERTISEMENT
![]() |
Người dùng mạng xã hội thay vì dành thời gian “hóng” drama vô ích hãy nên tập trung vào các hoạt động có ích khác. Trong ảnh: Một bạn trẻ dành thời gian theo dõi drama ViruSs trên mạng xã hội. Ảnh: L.Duy |
Sự việc nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn tán của cộng đồng mạng, trong đó có cảnh báo về trách nhiệm pháp lý khi phát tán drama (những câu chuyện có diễn biến phức tạp, gay cấn - PV), hình ảnh, thông tin riêng tư của người khác lên MXH mà chưa có sự đồng thuận. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm hiểu về vụ việc.
Thức đêm theo dõi drama
ADVERTISEMENT
Mọi chuyện bắt đầu khi Ngọc Kem bất ngờ lên tiếng tố cáo ViruSs có thái độ lăng nhăng, hẹn hò cùng lúc nhiều người, trong đó có nữ rapper Pháo. Vụ việc lập tức thổi bùng tranh cãi dữ dội trên MXH, kéo theo hàng triệu lượt tìm kiếm, bàn tán và tranh luận. Đáp lại, ViruSs tổ chức các buổi live stream để “đối chất công khai” và phân trần về sự việc, còn Pháo lên tiếng để bảo vệ mình.
Các buổi live stream của ViruSs thu hút lượng lớn người xem. Riêng buổi live stream tối 28-3 đạt đỉnh 1,6 triệu người xem cùng lúc và tổng lượt xem lên đến 4,8 triệu trên nền tảng TikTok. Tuy nhiên, điều gây chú ý hơn cả là việc ViruSs kích hoạt tính năng trả phí để tương tác. Người xem muốn để lại bình luận phải đăng ký hội viên với mức phí từ 130-155 ngàn đồng/tháng.
ADVERTISEMENT
Sau buổi live stream này, số hội viên mới của kênh tăng thêm 629 người, nâng tổng lượng đăng ký lên hơn 4,2 ngàn tài khoản. Không dừng lại ở khoản thu từ hội viên, ViruSs còn nhận được hàng loạt “quà tặng ảo” từ người xem trên TikTok với nhiều trị giá từ vài triệu đến hơn mười triệu đồng cho mỗi “quà tặng ảo”.
Sau khi gây bão trên MXH suốt hơn 10 ngày, tối 29-3, Ngọc Kem bất ngờ tuyên bố chấm dứt drama. Cô nói bản thân “bỏ cuộc”, không tiếp tục tung thêm bằng chứng và gửi lời xin lỗi đến cộng đồng mạng. ViruSs ra thông báo khép lại sự việc, đồng thời xin lỗi những ai bị ảnh hưởng bởi drama này. Pháo - người được cho là “trung tâm mâu thuẫn” cũng chọn cách giữ im lặng sau phát ngôn phản bác ban đầu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây có thể là “chiêu trò” truyền thông được dựng lên có chủ đích nhằm thu hút sự chú ý dư luận, tăng lượng theo dõi và cả doanh thu. Người thì kiếm được tiền, người lên “top trending” (bảng xếp hạng thịnh hành - PV) nhờ ca khúc mới, người tăng lượt theo dõi bán hàng. Những yếu tố này càng khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu vụ lùm xùm tình ái vừa qua là ngẫu nhiên bùng phát hay là “kịch bản” được tính toán kỹ lưỡng trên nền tảng MXH?
“Tôi bỏ 130 ngàn đồng chỉ để bình luận vào một buổi live stream và thấy hoàn toàn không xứng đáng. Chẳng được lợi gì ngoài việc hóng chuyện riêng của người khác. Tôi cứ tưởng có gì thú vị, cuối cùng chỉ là màn đấu tố tình cảm kéo dài đến ngán ngẩm” - chị Như Quỳnh (ngụ phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) bày tỏ sự thất vọng.
Công khai drama tình ái trên mạng xã hội: Con dao 2 lưỡi
Anh Phan Huỳnh Kim Thông, đại diện Công ty TNHH Rainbow Production (hoạt động trong lĩnh vực digital marketing hay còn gọi là marketing số/tiếp thị số tại Thành phố Hồ Chí Minh), phân tích trong thời đại MXH phát triển mạnh mẽ, khái niệm “drama marketing” không còn xa lạ. Đó là hình thức tận dụng những mâu thuẫn, tranh cãi hoặc các câu chuyện đời tư được thổi phồng để tạo sự chú ý. Bản chất của chiến lược này là đánh vào sự tò mò - một trong những phản ứng tự nhiên và mạnh mẽ nhất của con người. Khi công chúng bị cuốn vào một câu chuyện đang dang dở, họ có xu hướng theo dõi đến cùng, chia sẻ và bàn tán, từ đó giúp lan tỏa thông tin với tốc độ chóng mặt.
“Nếu không kiểm soát tốt, “drama marketing” dễ biến thành con dao 2 lưỡi - gây tổn hại đến uy tín cá nhân, cộng đồng và thậm chí kéo theo những hệ lụy pháp lý. Việc tạo dựng nội dung kích thích sự hiếu kỳ cần được đặt trên nền tảng trung thực và trách nhiệm, thay vì chỉ chăm chăm vào lượt xem hay tương tác” - anh Thông chia sẻ.
Tiến sĩ - giảng viên tâm lý học Trường đại học Đồng Nai Cao Thị Huyền phân tích, đối với đời tư của những nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng, công chúng luôn tò mò và có xu hướng muốn tìm hiểu nhiều hơn. Việc chi tiền để “hóng” drama còn thể hiện để bản thân cảm thấy mình có vai trò và gắn kết với câu chuyện họ đang theo dõi: chi tiền để được đặt câu hỏi, chi tiền để thể hiện sự đồng tình hoặc phản đối với nhân vật trong drama. Điều này phản ảnh một lối sống vô bổ của một bộ phận người dùng MXH; thay vì dành thời gian đó cho công việc, cho học tập, vui chơi, giải trí, kết nối với bạn bè, người thân thì lại tốn tiền và dành thời gian chỉ để theo dõi, tìm kiếm những thông tin không cần thiết.
Về mặt pháp lý, luật sư Trương Hồng Kỳ, Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết việc lợi dụng các câu chuyện đời tư, chưa được kiểm chứng để lôi kéo sự chú ý từ cộng đồng mạng rất dễ gặp rắc rối về pháp lý. Bởi khi cá nhân chia sẻ hình ảnh, thông tin riêng tư của người khác mà chưa có sự đồng thuận, hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự theo quy định tại Luật An ninh mạng năm 2018 và Bộ luật Dân sự năm 2015, tùy vào mức độ xâm phạm danh dự, nhân phẩm.
Luật sư TRƯƠNG HỒNG KỲ, Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết việc live stream đưa nội dung sai sự thật, trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác là hành vi bị cấm theo quy định của Luật An ninh mạng năm 2018. Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi này bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, đồng thời bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đó.
Lê Duy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin