Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển khoản nhầm hoặc 'bỗng dưng' nhận được tiền: Phải làm sao?

Kim Liễu
08:43, 02/04/2025

Nhiều người trong giao dịch tài khoản ngân hàng do sơ suất thay vì chuyển tiền cho người này, lại chuyển cho người khác. Cũng có trường hợp kẻ gian cố tình chuyển tiền vào tài khoản của người khác để giăng bẫy người nhận. Khi rơi vào các tình huống trên, cả người chuyển và người nhận cần ứng xử cho đúng luật và tránh “sập bẫy” kẻ gian, mất tiền oan?

ADVERTISEMENT

Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.

Ứng xử đúng luật để tránh rắc rối

Vụ việc nữ hành khách V.T.L. (ngụ thành phố Vũng Tàu) chuyển nhầm 71 ngàn đồng thành 71 triệu đồng cho tài xế Grab tên Q. (ngụ tỉnh Đồng Nai) đã gây “lùm xùm” trên mạng xã hội những ngày qua. Vụ việc xảy ra ngày 15-3, chị L. đặt GrabBike đi từ một chung cư ở phường 10, thành phố Vũng Tàu về thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi đến nơi, chị L. thanh toán tiền thì chuyển nhầm cho anh Q. 71 triệu đồng.

ADVERTISEMENT

Phát hiện nhầm lẫn, chị L. liên hệ và nhắn tin cho tài xế thì không liên lạc được. Sau đó, chị đăng tải thông tin nội dung sự việc lên mạng xã hội, mong sớm tìm được tài xế để xin nhận lại tiền. Phía anh Q. cho hay, thời điểm nhận được tiền chuyển nhầm do không nhìn kỹ nên đã tắt thông báo trên máy rồi tiếp tục làm việc. Sau đó, do có công việc gia đình nên anh tắt máy. Sau khi lo xong việc, ngày 19-3, anh Q. đã làm việc với chị L., cho rằng chị đăng tải sự việc lên mạng xã hội làm xấu hình ảnh của mình nên không đồng ý trả lại tiền khi chưa nhận được lời xin lỗi.  Đến ngày 25-3, dưới sự chứng kiến của Công an phường Nguyễn An Ninh (thành phố Vũng Tàu), anh Q. đã hoàn lại toàn bộ số tiền mà chị L. đã chuyển nhầm vào tài khoản của mình.

Nhìn nhận sự việc ở góc độ pháp lý, luật sư Ngô Văn Định (thuộc Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, việc anh Q. đã được thông báo phải hoàn trả số tiền chuyển nhầm nhưng cố tình không trả lại cho chị L. có thể xem là hành vi cố tình chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Tùy vào từng vụ việc, hành vi không trả lại tiền do người khác chuyển khoản nhầm theo yêu cầu của chủ sở hữu có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

ADVERTISEMENT

Tại Đồng Nai cũng đã xảy ra nhiều vụ chuyển tiền nhầm, đơn cử như sự việc của bà T.T.L. (ngụ thành phố Biên Hòa). Ngày 10-9-2024, bà L. chuyển 330 triệu đồng qua ứng dụng internet banking cho người quen nhưng đã bấm nhầm số tài khoản của anh T.Đ.T. (quê tỉnh Tiền Giang). Sau khi phát hiện sự việc, bà L. đã liên hệ ngân hàng và trực tiếp đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh để nhờ hỗ trợ lấy lại tiền. Công an tỉnh đã xác minh nhanh thông tin, liên hệ với anh T.Đ.T. để thông báo và trao đổi việc chuyển lại tiền. Được công an giải thích, anh T.Đ.T đã tự nguyện chuyển trả lại số tiền mà bà L. đã chuyển nhầm.

PA05 Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân nhận được tiền do người lạ chuyển vào tài khoản của mình mà không xác định được người gửi nên đến cơ quan công an gần nhất để trình báo, tránh bị những đối tượng lừa đảo lợi dụng. Hành vi cố ý không hoàn trả lại số tiền cho người chuyển khoản nhầm có thể bị xem xét xử lý hình sự về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Bộ Công an lưu ý, trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hoặc liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.

Cẩn trọng khi “bỗng dưng” nhận tiền từ tài khoản lạ

Bên cạnh việc vô tình chuyển khoản nhầm, thời gian qua cũng xuất hiện tình trạng đối tượng lừa đảo giả vờ chuyển tiền nhầm để “giăng bẫy” chiếm đoạt tài sản của người nhận tiền. Bộ Công an và các ngân hàng đã từng cảnh báo về thủ đoạn này. Chiêu trò đối tượng lừa đảo sử dụng là cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của một người nào đó. Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt và yêu cầu họ trả lại số tiền vừa nhận như một khoản vay với số lãi cao “cắt cổ”.

Có trường hợp đối tượng lừa đảo chuyển tiền cho người bị hại, sau đó liên hệ xin được nhận lại số tiền đã chuyển nhầm. Để trả lại số tiền, người nhận tiền phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền đầy đủ thông tin tài khoản ngân hàng vào đường link do họ cung cấp thì toàn bộ số tiền trong tài khoản của người bị hại sẽ bị rút sạch.

Nhiều ngân hàng đã khuyến cáo, nếu khách hàng chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác hoặc “bỗng dưng” nhận được số tiền do người lạ chuyển đến nên liên hệ ngay với ngân hàng và cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như: mật khẩu truy cập tài khoản, mật khẩu giao dịch một lần (OTP) cho bất cứ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng) và dưới bất cứ hình thức nào. Cần cảnh giác với các yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân. Kẻ xấu sẽ mã hóa các đường link lừa đảo hoặc các số tài khoản giả mạo thành các mã QR để lừa đảo. Việc quét vào mã QR mà người lạ gửi sẽ có nguy cơ bị cài đặt các ứng dụng chứa mã độc vào điện thoại. Mã độc ấy nhanh chóng thu thập các thông tin, chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại, truy cập vào các ứng dụng ngân hàng, đánh cắp tài khoản, mật khẩu và mã OTP dẫn đến mất tiền.

Bộ Công an lưu ý, khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người dân không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, không chuyển trả lại tiền khi không có bên thứ 3 làm chứng. Người nhận nên chủ động liên hệ với ngân hàng hoặc cơ quan công an để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc (nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không). Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.

            Kim Liễu

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT