Từ ngày 1-6, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy cho một số trường hợp cụ thể. Người dân sử dụng thẻ BHYT trên các ứng dụng VssID, VNeID hoặc căn cước công dân (CCCD) gắn chíp khi khám, chữa bệnh, thay vì sử dụng thẻ BHYT giấy.
ADVERTISEMENT
![]() |
Người dân đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế bằng ứng dụng VssID, căn cước công dân trên điện thoại di động tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: CTV |
Đó là một trong những thay đổi mới liên quan đến cấp, đổi thẻ BHYT người dân cần biết vừa được BHXH Việt Nam ban hành.
Các trường hợp được cấp thẻ bảo hiểm y tế giấy
ADVERTISEMENT
Giám đốc BHXH Đồng Nai Phạm Minh Thành cho biết, BHXH Việt Nam vừa ban hành văn bản hướng dẫn BHXH các khu vực; BHXH các tỉnh, thành phố về việc sử dụng phôi thẻ BHYT.
Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT trong thời gian tổ chức, sắp xếp các đơn vị đi vào hoạt động theo mô hình mới và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, BHXH các khu vực và BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục sử dụng phôi thẻ BHYT cũ đến hết ngày 31-5.
ADVERTISEMENT
Từ ngày 1-6, đối với các trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, người tham gia BHYT sẽ được hướng dẫn cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID), ứng dụng VNeID và hướng dẫn sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VNeID; CCCD có gắn chíp để đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ BHYT bản giấy. Chỉ thực hiện cấp mới thẻ BHYT giấy đối với các trường hợp không thể cài đặt VssID, VNeID và không có căn cước công dân có gắn chíp.
“Để tránh bị gián đoạn quyền lợi BHYT, người dân cần cài đặt ứng dụng VssID hoặc VNeID trên điện thoại thông minh. Liên kết thông tin BHYT với CCCD để đảm bảo dữ liệu đồng bộ. Bên cạnh đó, người dân có thể liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được hỗ trợ nếu chưa cài đặt được ứng dụng hoặc không có CCCD gắn chíp” - Giám đốc BHXH Đồng Nai Phạm Minh Thành lưu ý.
Theo Ban Chỉ đạo Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) tỉnh, 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tại Đồng Nai đã triển khai sử dụng CCCD trong khám, chữa bệnh BHYT. Đã đồng bộ số định danh cá nhân/CCCD với thẻ BHYT còn hiệu lực được 2.765.120/2.787.580 (đạt tỷ lệ 99,2%). Số lượng số định danh cá nhân /CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng CCCD trên địa bàn tỉnh là 2.658.953 người.
Tiện ích khi khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế điện tử
Việc sử dụng các nền tảng điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế. Với ứng dụng VssID, ứng dụng liên kết tài khoản giao dịch điện tử của người dùng với cơ quan BHXH, ngoài dùng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng này khi khám, chữa bệnh, người dân có thể tra cứu thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách liên quan. VssID được phát triển bởi Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, trên nền tảng Cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư cũng như xác thực điện tử.
Với nhiều tiện ích nên hiện nay, nhiều người khi khám, chữa bệnh đã không mang thẻ BHYT giấy nữa, mà chỉ cần mở điện thoại di động có cài đặt ứng dụng VssID hoặc VNeID ra xuất trình nhân viên y tế để đăng ký khám.
Bà Ngô Thị Nhẫn (70 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, trước đây, mỗi lần đi khám bệnh bà mang theo CCCD, thẻ BHYT giấy, hôm nào quên bà phải đăng ký khám dịch vụ hoặc quay về nhà lấy. Còn nay, mỗi lần đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám bệnh, bà chỉ cần mang theo điện thoại thông minh, mở hình ảnh thẻ BHYT trên các ứng dụng VssID, hoặc VNeID để đăng ký khám. Lúc đầu, vào các ứng dụng này trên điện thoại bà chưa thành thạo, phải nhờ người cháu hướng dẫn vài lần mới có thể sử dụng quen. “Sử dụng thẻ BHYT điện tử không còn phải lo lắng quên thẻ, bị mất thẻ, thẻ bị mờ, nhàu nát như dùng thẻ BHYT giấy. Tất cả thông tin đều có trên điện thoại nên rất tiện ích” - bà Nhẫn nói.
Chia sẻ về những tiện ích khi sử dụng thẻ BHYT điện tử, chị Phan Thị Hồng Trâm (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) bộc bạch, dùng thẻ BHYT điện tử khỏi phải đổi thẻ BHYT do hết hạn, rách, hỏng, sai lệch thông tin. Khi đăng ký khám, chữa bệnh cũng nhanh hơn. Toàn bộ lịch sử khám, chữa bệnh của người dùng đều được lưu trữ trên ứng dụng VssID, tạo thuận lợi cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh.
“Ngoài cung cấp thông tin về thẻ BHYT, ứng dụng VssID còn cho biết quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các thông tin hưởng các chế độ BHXH. Đồng thời, có thể tiến hành các giao dịch dịch vụ công trực tuyến liên quan đến BHXH, BHYT một cách nhanh chóng, tiện lợi” - chị Trâm chia sẻ.
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin