Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm sóc, bảo vệ rừng có được hỗ trợ chi phí đầu tư khi thu hồi đất?

10:12, 12/12/2011

Ông Nguyễn Đức Chiến, tạm trú tại số 74C, KP8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) khiếu nại về việc không được hỗ trợ chi phí đầu tư vào 1 hécta đất rừng đã bị Nhà nước thu hồi để giao cho Công ty cổ phần địa ốc Đồng Nai làm kho bãi nhà xưởng cho thuê.

Ông Nguyễn Đức Chiến, tạm trú tại số 74C, KP8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) khiếu nại về việc không được hỗ trợ chi phí đầu tư vào 1 hécta đất rừng đã bị Nhà nước thu hồi để giao cho Công ty cổ phần địa ốc Đồng Nai làm kho bãi nhà xưởng cho thuê.

* Lúc được, lúc không?

Diện tích đất bị thu hồi này nằm trong tổng diện tích đất rừng 2 héc ta mà năm 1992, ông Chiến đã ký hợp đồng giao khoán rừng với Lâm trường Biên Hòa (nay là Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa) để chăm sóc và bảo vệ rừng với thời gian là 50 năm.

Ông Đức trên phần đất rừng bị thu hồi đã bàn giao Nhà nước.                                          Ảnh: AN. AN
Ông Đức trên phần đất rừng bị thu hồi đã bàn giao Nhà nước. Ảnh: AN. AN

Ông Nguyễn Minh Đức, con trai ông Chiến thắc mắc, 2 hécta đất rừng mà gia đình ông nhận chăm sóc bảo vệ đều bị Nhà nước thu hồi để triển khai các dự án. Trong đó vào năm 2003, Nhà nước thu hồi 1 hécta đất rừng để giao cho Công ty cổ phần địa ốc Đồng Nai làm kho bãi nhà xưởng cho thuê nhưng không hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất cho gia đình ông. Trong khi đó, vào năm 2010, Nhà nước thu hồi 1 hécta đất rừng còn lại để triển khai dự án KCN AMATA giai đoạn 2E thì lại được xem xét hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất. 

* Thực hiện hỗ trợ theo đúng quy định

Liên hệ với Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa (trước đây là Hội đồng bồi thường) chúng tôi được biết, vào năm 2003, khi Nhà nước thu hồi đất để giao cho Công ty cổ phần địa ốc Đồng Nai thì thực hiện theo Nghị định số 22/1998/ND-CP (Nghị định 22) ngày 24-4-1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Nghị định 22 được áp dụng trong công tác bồi thường, giải tỏa từ năm 1998 đến 3-12-2004). Căn cứ theo Điều 6, Nghị định 22, thì trường hợp của ông Chiến không được bồi thường, hỗ trợ về đất và Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa mới là đối tượng được bồi thường, hỗ trợ về đất. Số tiền hỗ trợ đất cho Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa cũng đã được nộp vào ngân sách Nhà nước. Vì vậy, việc ông Chiến yêu cầu hỗ trợ diện tích 1 hécta đất trồng rừng bị thu hồi để thực hiện dự án trên là không có cơ sở xem xét giải quyết. Mặt khác, tại Nghị định 22, không có quy định chính sách bồi thường chi phí vào đất cho các trường hợp nhận giao khoán đất rừng. Do đó, hộ của ông Chiến không được xem xét hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất.

Trong khi đó, việc chi trả bồi thường, hỗ trợ cho dự án KCN AMATA giai đoạn 2E lại thực hiện theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP (Nghị định 197) ban hành ngày 3-12-2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tại Khoản 5, Điều 10, Nghị định 197 có quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh khi Nhà nước thu hồi thì không được bồi thường về đất, nhưng được bồi thường chi phí vào đất”.  Do đó, phần diện tích đất rừng 1 hécta còn lại mà ông Chiến nhận khoán của Trung tâm lâm nghiệp bị thu hồi đất thuộc dự án KCN AMATA giai đoạn 2E được xem xét hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất.

An An

 

 

 

Tin xem nhiều