Báo Đồng Nai điện tử
En

Mua xe trả góp: Coi chừng “sụp bẫy”!

10:07, 18/07/2012

Hình thức bán xe trả góp hiện đang được các đại lý bán hàng áp dụng khá phổ biến. Cách làm này thường mang lại lợi ích cho đại lý bán hàng, đơn vị cho vay do họ luôn “nắm đàng cán”, còn phía người tiêu dùng chỉ được lợi khi họ biết cân nhắc, thỏa thuận rõ ràng trước khi ký kết các hợp đồng mua bán…

Hình thức bán xe trả góp hiện đang được các đại lý bán hàng áp dụng khá phổ biến. Cách làm này thường mang lại lợi ích cho đại lý bán hàng, đơn vị cho vay do họ luôn “nắm đàng cán”, còn phía người tiêu dùng chỉ được lợi khi họ biết cân nhắc, thỏa thuận rõ ràng trước khi ký kết các hợp đồng mua bán…

Người tiêu dùng nên cân nhắc, thận trọng khi mua xe trả góp.
Người tiêu dùng nên cân nhắc, thận trọng khi mua xe trả góp.

Thực tế đã có nhiều người mua xe bị “sụp bẫy” do lỡ ký vào những hợp đồng thỏa thuận không rõ ràng về mức lãi suất. Đến khi trả nợ mãi vẫn không hết thì nhiều người mới vỡ lẽ, bởi số tiền bỏ ra để trả cho đại lý cao gần gấp rưỡi giá trị của chiếc xe. Trường hợp của ông Huỳnh Thái Sơn, ngụ tại phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa là một minh chứng cho việc này.

* Choáng với lãi suất cao…

Tháng 8-2011, ông Sơn ký hợp đồng mua trả góp chiếc xe máy hiệu Wave RSX của hãng Honda với cửa hàng của Công ty TNHH Vĩnh Thanh Phát, địa chỉ KP1, phường Tân Mai, TP. Biên Hòa. Hợp đồng ghi rõ: “…Tổng số tiền ông Sơn nợ, bao gồm lãi suất là 26,5 triệu đồng, trả góp trong vòng 12 tháng, mỗi tháng là 2,2 triệu đồng”. Sau khi trả góp được 9 tháng ông Sơn không trả nữa, vì cho rằng số tiền đã trả cộng với 6 triệu đồng mà ông đưa trước thì bằng tổng số tiền nợ ghi trong hợp đồng. Thế nhưng, phía công ty không chấp nhận mà yêu cầu ông phải trả góp hết 12 tháng như trong hợp đồng thì mới được giao giấy tờ xe. Ông Sơn cho rằng, doanh nghiệp này gian dối nên đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

Liên hệ với cả hai địa chỉ của công ty ghi trên hợp đồng và địa chỉ ghi trên card visit (tại phường Thống Nhất và phường Tân Mai), chúng tôi được biết các cửa hàng bán xe máy của công ty này đã chuyển đi nơi khác. Hiện tại, chỉ có một phụ nữ tên Huệ ngồi thu tiền khách đến trả nợ. Giải thích về hợp đồng mua xe của ông Sơn, chị Huệ nói: “Giá bán xe là 22,5 triệu đồng, trừ 6 triệu đồng đưa trước, ông Sơn còn nợ lại 16,5 triệu đồng. Cộng 5% lãi suất/tháng, tính ra tổng số số tiền ông Sơn nợ là 26,5 triệu đồng. Chia cho 12 tháng thì mỗi tháng ông Sơn phải trả là 2,2 triệu đồng”.

Rõ ràng, nếu cộng tiền lãi và tiền gốc thì ông Sơn mua chiếc xe với giá 32,5 triệu đồng, kể cả 9,9 triệu đồng là tiền lãi suất. Chỉ cần tính nhẩm thì cửa hàng trên đã áp dụng mức lãi suất lên đến 60%/năm đối với khoản tiền nợ của khách. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều khách hàng phải “khốn đốn” trước cách tính lãi suất trên.

* Cân nhắc kỹ khi mua xe trả góp

Lâu nay, nhiều cửa hàng bán xe máy trên địa bàn tỉnh áp dụng hình thức bán hàng trả góp với thủ tục rất đơn giản. Người mua dễ dàng vay tiền mua xe thông qua ngân hàng, hoặc trực tiếp vay của chủ cửa hàng. Chỉ cần có hộ khẩu, chứng minh nhân dân và chứng minh được thu nhập ổn định là có thể mua xe trả góp. Hồ sơ hoàn tất chỉ trong 24 giờ, người mua được sở hữu những chiếc xe máy từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi tham gia vào việc mua bán này, nhiều khách hàng đã phải dở khóc dở cười bởi nội dung hợp đồng mua xe không rõ ràng, nhất là phần tính lãi suất. Với mức lãi suất từ 2-5%/ tháng tùy đơn vị cho vay, và số tiền lãi thường tính một lần dựa trên số nợ gốc tại thời điểm mua. Như vậy, dù cửa hàng áp dụng mức lãi suất tối thiểu là 2%/tháng nhưng nếu tính theo cách trên thì khách vẫn phải trả lãi tới hơn 3%/tháng.

Nhiều người sau khi ký hợp đồng cứ nghĩ rằng “bút sa gà chết” nên đành chịu thiệt thòi, không dám thưa kiện. Trong khi theo quy định của pháp luật thì việc cố tình “mập mờ” trong hợp đồng giao dịch để tính lãi suất cao quá mức quy định nhằm trục lợi của các đại lý xe và tổ chức tín dụng là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại mục b, điều 122, Luật Dân sự năm 2005 thì những hợp đồng như trên không có hiệu lực.

Đây cũng là cách tính đang được nhiều cửa hàng bán xe trên địa bàn TP.Biên Hòa áp dụng khá phổ biến. Tại một đại lý bán xe trả góp trên đường 30-4, Ngân hàng V-P có đặt điểm giao dịch tại đây, khi khách mua xe Air Blade có giá 40,2 triệu đồng, trả trước 17,2 triệu, còn lại nợ ngân hàng tới 23 triệu đồng. Khoản nợ này được nhân cho lãi suất 2,49%/tháng, nếu thỏa thuận trả góp trong 10 tháng thì mỗi tháng số tiền khách phải trả gần 3,2 triệu đồng. Như vậy, mức lãi suất thực sự lên đến gần 5%/tháng chứ không như ký kết ban đầu. Mặt khác, trong hợp đồng giữa cửa hàng xe và khách còn có nhiều ràng buộc mà phần lợi chủ yếu nghiêng về phía người bán và ngân hàng. Đơn cử như: khách trễ hạn thanh toán 31 ngày là bị tịch thu xe và 30 ngày sau, nếu không đến trả nợ thì người bán có quyền thanh lý xe. Còn khi khách hàng trả trước hạn, thì theo nhiều hợp đồng phải đóng lãi suất hết sức vô lý là 1,5%/tháng trên tổng số tiền mà khách thanh toán trước kỳ hạn…

Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, thì việc lập lờ lãi suất khi mua xe trả góp là vi phạm quyền cơ bản của người tiêu dùng, buộc phải được thông tin đầy đủ. Vì vậy, khi sắm xe, người mua nên tìm hiểu rõ mức lãi suất, chỉ chấp nhận mức lãi của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất cho vay trong phương thức cho vay trả góp, đồng thời nên tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký vào hợp đồng mà mình chưa hiểu rõ ràng.

Kim Liễu

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích