Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra, gây nên những vụ chết người thương tâm và nhiều nạn nhân phải mang tật suốt đời. Đáng nói là công tác quản lý rượu trôi nổi, chất lượng kém trên thị trường vẫn còn nhiều lỗ hổng. Nỗi đau từ rượu trong vụ ngộ độc xảy ra cách đây không lâu tại TP.Biên Hòa vẫn còn đó tác dụng cảnh báo.
Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra, gây nên những vụ chết người thương tâm và nhiều nạn nhân phải mang tật suốt đời. Đáng nói là công tác quản lý rượu trôi nổi, chất lượng kém trên thị trường vẫn còn nhiều lỗ hổng. Nỗi đau từ rượu trong vụ ngộ độc xảy ra cách đây không lâu tại TP.Biên Hòa vẫn còn đó tác dụng cảnh báo.
Ông Trương Thiện Minh, nạn nhân duy nhất may mắn sống sót sau vụ ngộ độc rượu tại xã Hiệp Hòa. |
Trong 4 nạn nhân của vụ ngộ độc rượu xảy ra tại xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa cách đây gần 2 tháng thì ông Trương Thiện Minh là người duy nhất sống sót. 3 người chết, khi hầu hết là trụ cột của gia đình. Tuy được cứu chữa kịp thời, song do bị ngộ độc rượu quá nặng, nên các bác sĩ không thể giữ lại đôi mắt sáng cho ông Thiện Minh. Mọi sinh hoạt hàng ngày giờ đây ông phải nhờ sự giúp đỡ của người vợ. Chưa kể, những vật dụng có giá trị trong nhà cũng lần lượt “đội nón” ra đi để có tiền chữa bệnh cho ông. Hậu quả của ngộ độc rượu biến người chồng, người cha gánh vác chính trong nhà giờ trở thành gánh nặng lâu dài cho người thân. Bà Nguyễn Thị Hai, vợ ông Trương Thiện Minh cho biết: “Trước đây, chồng tôi đi làm hồ kiếm tiền nuôi hai đứa con. Giờ ổng bệnh, tôi đi mượn tiền nuôi mấy tháng nay, thiếu nợ vài chục triệu, không biết lấy đâu ra mà trả”. Ông Trương Thiện Minh cho biết: “Giờ thấy rượu, tôi sợ rồi. Chắc tôi bỏ rượu thôi, không dám uống nữa! Mong sao sớm khỏe lại để đi làm nuôi vợ con”.
Hàng xóm nhà ông Minh hiu quạnh kể từ ngày ông Đoàn Văn Út mất mạng do ngộ độc rượu. Bà Lê Thị Ngọc Phương, vợ nạn nhân Đoàn Văn Út cho biết: “Tôi mong mọi người đừng uống rượu chết như ông nhà tôi”.
Lượng rượu các nạn nhân trên uống được mua từ một tiệm tạp hóa gần nhà. Theo chủ tạp hóa, rượu lấy từ một người bỏ mối lâu năm mà không hề biết nguồn gốc. Đây cũng là thực trạng chung của việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công lâu nay. Theo khảo sát mới đây của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cả nước có đến 2 ngàn loại rượu bán trên thị trường, nhưng tỷ lệ rượu nấu thủ công đã công bố tiêu chuẩn chất lượng là rất thấp. UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng rượu bia, đặc biệt là các hộ cá thể nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra hơn 1 tháng nay, lực lượng quản lý thị trường đã nhắc nhở trên 100 hộ vi phạm. Ông Dương Minh Dũng, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Nhìn chung, sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh theo hình thức nhỏ lẻ, tập trung vào các hộ dân làm theo dạng thủ công. Vừa qua, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các đội của chi cục đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền cho các hộ sản xuất rượu làm cam kết và hướng dẫn xin giấy phép, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Rượu không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại các quán nhậu trên địa bàn TP. Biên Hòa. |
Đáng quan ngại, hoạt động nấu rượu thủ công tại các hộ dân diễn ra tràn lan, nhưng việc quản lý dường như bị bỏ ngỏ. Để hạn chế tình trạng nấu rượu trái phép đang diễn ra, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan thì việc nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng rượu có thể hạn chế hậu quả đáng tiếc”. Ông Dương Minh Dũng cảnh báo: “Người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm rượu bia nên đến các cửa hàng có thương hiệu rõ ràng để mua các sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng. Khi mua nên lấy hóa đơn vì đó là cơ sở pháp lý khi có sự cố xảy ra có thể truy nguồn gốc”.
Thói quen lâu nay của người dân là mỗi lần mua rượu uống, ít ai quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng và càng không bận tâm lỡ may uống phải rượu pha cồn công nghiệp hoặc có hàm lượng methanol cao, nạn nhân có thể bị mù mắt hoặc tử vong. Đây thực sự là mối nguy cơ tiềm ẩn về ngộ độc rượu.
Khắc Thiết