Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất an với thực phẩm trôi nổi

10:06, 16/06/2013

Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển, kinh doanh thịt động vật đã bị phân hủy. Điều này gây lo ngại đối với người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn…

Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển, kinh doanh thịt động vật đã bị phân hủy. Điều này gây lo ngại đối với người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn…

Thịt heo thối bị cơ quan chức năng tỉnh tịch thu trong thời gian vừa qua. (ảnh minh họa)
Thịt heo thối bị cơ quan chức năng tỉnh tịch thu trong thời gian vừa qua. (ảnh minh họa)

 

* Anh Nguyễn Thế Anh, ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất): Thực phẩm bẩn được “tân trang” khá tinh vi!

Quả thực hiện nay, nỗi băn khoăn của tôi mỗi khi đi chợ là không biết mua gì, ăn gì để sức khỏe của gia đình được an toàn. Bởi thực phẩm bẩn đã được “tân trang” khá tinh vi, trà trộn vào các cửa hàng ngày càng phổ biến, người dân chúng tôi khó lòng phát hiện.

Thực tế, chủ hàng dù biết rõ thực phẩm bẩn ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, song vì lợi nhuận nên họ cố tình tuồn thực phẩm ra thị trường. Đây là hành động vô lương tâm, kém đạo đức trong kinh doanh. Hoan nghênh cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy thực phẩm bẩn. Thế nhưng, với mức phạt hiện nay chưa đủ răn đe nên thịt thối, động vật bị phân hủy vẫn xuất hiện đây đó, gây bất an cho người tiêu dùng.

* Chị Trần Thị Hoàn Mỹ, chủ tiệm cơm tấm Bi, ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom): Sử

dụng thực phẩm bẩn sẽ bị ngộ độc!

Người sử dụng thực phẩm bẩn như thịt heo thối, gà chết thì có nguy cơ bị ngộ độc, lâu dài tích tụ thành bệnh. Do đó, để tránh mua phải thực phẩm bẩn, tôi thường tới những cửa hàng bán thực phẩm có uy tín, có dấu kiểm dịch về chế biến món ăn cho khách. Là cơ sở kinh doanh, nên những gia vị như hành, tỏi trôi nổi ở chợ tôi cũng không dám đụng tới mà đều phải đến các siêu thị mua về có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.

Tôi cực lực phản đối những quán ăn chỉ biết lợi ích cho mình mà làm ngơ trước sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý người kinh doanh, chế biến, vận chuyển thực phẩm bẩn.

* Anh Hà Duy Lâm, tổ 3, KP5, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa): Người tiêu dùng đang bị… đầu độc!

Nhìn những lô hàng thịt bẩn bị lực lượng chức năng bắt giữ, tôi thấy nổi “da gà”, bởi nếu nó đến được các bếp ăn tập thể để chế biến thức ăn thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Tôi thường xuyên dùng cơm tiệm. Đồ ăn tại các quán khá ngon, nhưng làm sao biết được nó được làm từ nguyên liệu sạch hay bẩn? Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại phụ gia hỗ trợ, như: chất tẩy trắng, chất tạo mùi, tạo màu… nên chỉ cần “phù phép” là thịt bẩn liền trở thành những món ăn hấp dẫn. Hành vi này khác nào đầu độc người tiêu dùng? Chính vì vậy, cơ quan chức năng phải có giải pháp quyết liệt hơn thì mới mong chặn đứng những vụ việc kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

* Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, xã Lộc An (huyện Long Thành): Thực phẩm bẩn đã thành nỗi lo đối với người tiêu dùng!

Hàng loạt vụ bê bối về thực phẩm được báo chí phản ảnh trong thời gian qua, như: heo bị bơm nước, hàng tấn thịt thối bị bắt khi vận chuyển đi tiêu thụ, rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu, trái cây dùng thuốc kích thích, chất bảo quản… gây bất an cho người tiêu dùng. Thịt, động vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc vẫn xuất hiện trên thị trường, nhất là tại các chợ nhỏ khiến người mua phải chấp nhận, dù rất lo lắng.

Làm sao để hạn chế tình trạng này là câu hỏi mà cơ quan chức năng phải có biện pháp cụ thể, hiệu quả. Nếu được ngăn chặn từ gốc và kiểm soát gắt gao thì thịt bẩn sẽ không thể xuất hiện trên thị trường như lâu nay.

 

Tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng!

Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được cơ quan chức năng phát hiện, như: thịt bẩn, nước dùng cho phở, bún có hóa chất… Những loại thực phẩm đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người tiêu dùng, nhất là sức khỏe, tâm lý bất an. VSATTP luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của người dân. Bởi nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Do đó, để quản lý hiệu quả thực phẩm nói chung, thức ăn nói riêng, tôi nghĩ rằng ngoài những chế tài mà pháp luật quy định thì công tác quản lý phải được đẩy mạnh hơn.

Phạm Gia Hải

(Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng)

 

Kim Liễu - Văn Chính (ghi)

 

 

Tin xem nhiều