Tại TP.Biên Hòa, lâu nay do có ít nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nên thường xuyên diễn ra cảnh phóng uế bừa bãi. Riêng những khu vực được bố trí NVSCC thì ai nấy đều phát hoảng, dù chỉ bước vào một lần…
Tại TP.Biên Hòa, lâu nay do có ít nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nên thường xuyên diễn ra cảnh phóng uế bừa bãi. Riêng những khu vực được bố trí NVSCC thì ai nấy đều phát hoảng, dù chỉ bước vào một lần…
Bà Quách Ngọc Bửu, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường - đô thị Đồng Nai, cho biết công ty đang quản lý 8 NVSCC nhưng cho các đơn vị tư nhân thuê nhiều năm nay. Hầu hết số NVSCC này được đặt tại công viên, khu vui chơi...
* Nín thở vào nhà vệ sinh
Tại Công viên Long Bình (phường Long Bình), một NVSCC được đặt ngay sát vỉa hè, hướng quay ra đường Bùi Văn Hòa bị “bao vây” bởi một quán bán giải khát. NVSCC này bị bàn ghế choán cả lối đi, khiến ai có nhu cầu sử dụng NVSCC cũng ngần ngại, nhất là khi có khách đang ngồi uống nước. Nói về NVSCC, chị Trần Thị Hà, ngụ tại phường Long Bình, nhăn mặt cho biết: “Lần duy nhất đi vào NVSCC ở Công viên Long Bình tôi phải trả 3 ngàn đồng/lần. Nhưng rồi cũng như nhiều người khác, bước ra khỏi không gian ấy tôi mới hết rùng mình, ớn lạnh. Từ đó đến nay, tôi không dám vào nữa bởi sự dơ bẩn, hôi thối không thể tả nổi”.
Nhà vệ sinh công cộng tại Công viên Nguyễn Văn Trị (TP. Biên Hòa). |
Để “kiểm chứng” những điều chị Hà nói, tôi liền đi thực tế tại NVSCC này. Ngay khi bước vào trong, điều đập vào mắt tôi là từ nền đến bồn rửa, bàn cầu đều mốc meo, ố vàng, sặc mùi hôi thối, thậm chí không giấy vệ sinh. Tương tự, kể về những trường hợp đi NVSCC ở Công viên 30-4 (phường Tân Biên), anh Vũ Văn Quang, hành nghề xe ôm tại khu vực này, cho biết do ý thức giữ vệ sinh chung của nhiều người không tốt nên trong đó sặc mùi xú uế. “Có người mới bước vào liền chạy vội ra nôn thốc nôn tháo, người cảnh giác hơn thì ngó vào trong nhưng lại quay ra sử dụng “nhà vệ sinh”… gốc cây. Tôi đã một lần vào đó, quả thật rất hoảng vì khai nồng nặc, có nín thở cách mấy cũng không thể chịu nổi” - anh Quang thổ lộ.
* Mỏi mắt tìm nhà vệ sinh công cộng
Hiện tại, số NVSCC ở TP.Biên Hòa chỉ đếm trên đầu ngón tay và được đặt tại công viên, khu vui chơi giải trí. Điều này dẫn đến chỗ, nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi muốn xả “nỗi niềm”. Không ít người chọn giải pháp kiếm chỗ tạm kín đáo ngay trên đường để giải quyết nhu cầu, mặc dù biết là vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường.
Chị Lâm Yên, người thuê lại nhà vệ sinh công cộng đặt tại Công viên Nguyễn Văn Trị (phường Hòa Bình), bộc bạch: “Mỗi tháng tôi phải chi trả tổng cộng trên 2 triệu đồng tiền thuê nhà vệ sinh công cộng và điện, nước... Nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 20 người sử dụng nên thu không bù chi, phải mở quán giải khát để tăng thu nhập”. Bà Quách Ngọc Bửu, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường - đô thị Đồng Nai, nhấn mạnh: “Hiện nay, để đầu tư mới một nhà vệ sinh công cộng tốn khoảng 120 triệu đồng. Trước đây, công ty đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án đặt nhà vệ sinh công cộng trên một số tuyến đường. Thế nhưng, cũng giống như đặt thùng rác công cộng, việc tìm vị trí đặt rất khó khăn. Vì không gia đình nào muốn để nhà vệ sinh công cộng trước nhà mình. Đây là tâm lý chung nhưng về lâu dài, vấn đề này không thể không quan tâm…”. |
Nói về chuyện tế nhị trong việc đi vệ sinh, chị Nguyễn Thị Hương, ngụ xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), kể: “Một lần đang đi trên đường Võ Thị Sáu, đột nhiên tôi chột bụng, tôi cố gắng cầm cự để tìm chỗ giải quyết. Nhưng chạy qua ngã ba Dương Tử Giang, rồi vòng ra đường Nguyễn Ái Quốc, quẹo vào đường Đồng Khởi mà vẫn không kiếm được NVSCC nào. Bí quá đành vào nhà dân xin đi nhờ. Trong khi đó, thừa nhận về “bệnh tiểu đường” của mình, anh Trần Văn Đang, ngụ phường Hố Nai giãi bày: “Nhiều khi đi mỏi chân mà không kiếm được NVSCC nào trên đường. Vì không thể “ôm” mãi nỗi niềm khó chịu ấy, đành tìm chỗ khuất để… xả cho nhẹ bụng, dù biết như vậy là mất vệ sinh và mất lịch sự”. Mới đây nhất, sáng 17-6, người viết bài này chứng kiến một thanh niên hì hục mở cửa NVSCC gần khu vực chợ đêm Biên Hùng nhưng không được vì bị khóa, lát sau anh ta chạy bộ vào nhà dân gần đó, có lẽ để nhờ chỗ “giải quyết”.
Nhà vệ sinh công cộng tại chợ đêm Biên Hùng (TP. Biên Hòa). |
Thực tế, dù TP.Biên Hòa chưa phải là điểm đến của khách du lịch, nhưng việc bố trí NVSCC ở những nơi hợp lý; hoặc đặt xe vệ sinh lưu động để phục vụ nhu cầu của người dân cũng là điều cần thiết. Sắp tới, TP.Biên Hòa kỷ niệm 20 năm được công nhận là đô thị loại II, đồng thời phấn đấu đến năm 2015 trở thành đô thị loại I, thì việc bố trí NVSCC cũng cần phải tính đến. Vấn đề ở chỗ, NVSCC phải sạch sẽ, mọi người đều ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị mới là điều quan trọng.
Văn Chính