Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ vì không điện, không đường

10:06, 21/06/2013

Không có đường dân sinh, không có điện sinh hoạt và sản xuất nên đời sống của người dân ở tổ 6, ấp 2, xã An Viễn (huyện Trảng Bom) gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế không phát triển…

Không có đường dân sinh, không có điện sinh hoạt và sản xuất nên đời sống của người dân ở tổ 6, ấp 2, xã An Viễn (huyện Trảng Bom) gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế không phát triển…

Gần 40 năm qua, 40 hộ dân ngụ ở vùng đất này đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đề nghị có kế hoạch mở đường và xây dựng hệ thống điện lưới quốc gia. Tuy nhiên đến nay, đơn thư của dân vẫn rơi vào quên lãng. 

* Khổ trăm bề…

Tháng 10-2010, thấy cán bộ huyện xuống đo đạc, nhiều hộ dân ở đây khấp khởi mừng vì nghĩ dự án đường, điện đang thực hiện.

Trong ngôi nhà tuềnh toàng chẳng có gì đáng giá, ông Nguyễn Văn Chung ở tổ 6, ấp 2 than: “Vì không có đường, không có điện nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp. Nông sản thu hoạch được muốn đem đi nơi khác bán nhưng đường sá đi lại gập ghềnh, không có phương tiện vận chuyển nên đành phải bán cho thương lái với giá thấp.

Lâu nay, người dân ở ấp 2 (xã An Viễn, huyện Trảng Bom) đi lại trên con đường mòn này.  Ảnh: V. Chính
Lâu nay, người dân ở ấp 2 (xã An Viễn, huyện Trảng Bom) đi lại trên con đường mòn này. Ảnh: V. Chính

Ông Chung cũng cho biết thêm, có gia đình thấy con cái thèm coi truyền hình, chắt bóp mãi mới mua được cái tivi và chiếc máy phát điện, nhưng chỉ coi được ít ngày phải “trùm mền” vì tivi “ngốn” rất nhiều điện, tiền dầu chạy máy phát điện quá tốn kém. Đáng thương là tình cảnh trẻ em học bài dưới ngọn đèn tù mù, rất có hại cho sức khỏe. Mới đây, ông Chung mua chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc nhưng cứ 2-3 ngày hết pin, phải đạp xe lóc cóc vài cây số ra trung tâm xã chỉ để xạc pin rồi về”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Lệ trăn trở: “Bao năm qua người dân chúng tôi sống trong cảnh không có đường đi lối lại, không có điện thắp sáng, khổ sở trăm bề. Tội nghiệp nhất vẫn là mấy đứa nhỏ, hàng ngày phải vượt mấy cây số đường đất nắng bụi, mưa sình để tới trường. Đi lại khó khăn, nhiều em phải bỏ học”.

Dự án mở tuyến đường dân sinh thuộc tổ 6, ấp 2, xã An Viễn do UBND huyện Trảng Bom làm chủ đầu tư có chiều dài 3,8km, mặt đường rộng 6m do Nông trường cao su An Viễn và người dân hiến đất. Huyện Trảng Bom cũng đã xác định, đây là dự án cần thực hiện trong năm 2013 này. Tuy nhiên, theo ông Vương Anh Tuấn, Chánh văn phòng UBND huyện Trảng Bom, sở dĩ việc triển khai dự án này còn chậm trễ là do khó khăn về vốn. Lãnh đạo huyện đang cố gắng huy động và bố trí nguồn vốn để có thể triển khai dự án này trong thời gian sớm nhất.

May mắn hơn những hộ dân trong ấp, gia đình anh Phan Văn Thiết có điện do kéo nhờ từ người quen ở xã Bình An (huyện Long Thành) sang. Nói về điện thắp sáng, anh Thiết chia sẻ: “Sợ các cháu học dưới ánh đèn dầu mỗi tối sẽ ảnh hưởng tới mắt, tôi đã phải vay mượn gần 40 triệu đồng để mua hàng ngàn mét dây, cắm cột sắt để kéo điện về nhà. Quá trình sử dụng, tôi chỉ dùng thắp sáng là chính, bởi giá điện xài “ké” cao hơn giá chính thức. Ngoài ra, vì đường dây điện kéo xa nên không tránh khỏi hao hụt. Tính ra, mỗi tháng gia đình tôi chi phí vài trăm ngàn đồng tiền điện. Nhưng bù lại, tôi sản xuất hiệu quả và đỡ cơ cực hơn”.

* Bao giờ dự án được thực hiện?

Ông Phạm Văn Hòa, Tổ trưởng tổ 6, cho biết: “Nếu dự án mở đường được thực hiện, các hộ dân ở đây đều sẵn sàng hiến đất, chỉ mong có một con đường khang trang để thuận tiện đi lại cũng như vận chuyển nông sản dễ dàng. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, đợi mãi chẳng thấy hình hài đường sá ra sao? Cử tri đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo xã và đại biểu HĐND huyện về việc sớm triển khai dự án mở đường giao thông nông thôn và đưa điện về phục vụ nhân dân. Trả lời bức xúc của dân, lãnh đạo các cấp đều thông báo, dự án làm đường và điện về khu vực này đã có. Nói là vậy, nhưng đến nay không hiểu vì sao dự án cứ nằm mãi trên… giấy”?

Chủ tịch UBND xã An Viễn Nguyễn Phùng Tông đặt vấn đề: “Khó khăn về vốn là vấn đề muôn thuở được huyện nhắc đến trong những lần họp HĐND. Nhưng tôi nghĩ, huyện cũng cần xem xét và quan tâm hơn đến đời sống khó khăn của 40 hộ dân ở ấp 2 này. Về phía trách nhiệm địa phương, chúng tôi đã vận động các hộ dân tại tổ 6 cùng hiến đất để mở tuyến đường nông thôn và đã được người dân đồng tình ủng hộ. Thực tế, 3,8km đường không phải quá dài và quá tốn kém so với nhiều công trình dân sinh khác của huyện. Nếu được thực hiện thì hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân là điều thấy rõ”.

Bao giờ người dân ấp 2 mới có điều kiện thuận tiện như đường, điện để nhanh chóng đổi đời; chừng nào người dân không còn “dài cổ” chờ điện, đợi đường trong mòn mỏi? Câu hỏi này rất bức thiết, nhưng không rõ bao giờ mới được giải đáp?

Văn Chính

 

 

 

Tin xem nhiều