Hôi thối, khét lẹt lan tỏa từ những phân xưởng tái chế nhựa tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), hàng ngày tra tấn người dân quanh khu vực…
Hôi thối, khét lẹt lan tỏa từ những phân xưởng tái chế nhựa tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), hàng ngày tra tấn người dân quanh khu vực…
Cơ sở tái chế này đã tồn tại mấy năm nay nhưng không thấy cơ quan chức năng nào đến “hỏi thăm”. Trong khi đó, nơi đây có hàng chục xưởng nấu nhựa, cao su tái chế gây ô nhiễm môi trường xung quanh khiến người dân lãnh đủ.
* Kêu cũng bằng không!
Từ trụ sở UBND xã Hố Nai 3, đi thêm một đoạn vào khu dân cư, chúng tôi đã ngửi ngay được mùi nồng nặc rất khó chịu. Do không chịu nổi mùi hết sức đặc trưng này, anh bạn đi cùng tôi đã phải xuống xe để… ói. Thấy vậy, một số người dân liền chạy lại “tố cáo” doanh nghiệp đã gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng mấy năm qua.
Cơ sở tái chế nhựa do ông Hanh làm chủ. |
Bà Nguyễn Thị T., ngoài 50 tuổi mệt mỏi than: “Tôi bị bệnh hen suyễn kinh niên, nhưng thời gian qua luôn phải gồng mình đối mặt với khói và mùi hôi thối lan tỏa khắp nhà khiến bệnh tình càng thêm nặng. Không chỉ người lớn mới phát bệnh, sức khỏe trẻ em ở đây còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn vì hàng ngày tiếp xúc với ô nhiễm”. Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, bà T. liên tục phải hít sâu để giọng nói bớt khàn. Theo bà T., cử tri kêu mãi rồi nhưng chẳng thấy cơ quan nào giải quyết, đành chấp nhận… sống chung với hôi thối.
Cùng nhận định như bà T., chị Trần Thị Thanh H. nhấn mạnh: “Ngày nào các xưởng nấu nhựa tái chế cũng thải ra mùi hăng nồng, khét lẹt. Từ khi họ sản xuất nấu nhựa đến giờ, hầu như lúc nào gia đình tôi cũng phải đóng kín cửa. Vào những ngày gió lớn, mùi hôi bay vào nhà, chỉ ngửi một chút là chóng mặt, buồn nôn. Do hít hoài “khí độc” này mà tôi mắc bệnh viêm mũi, đau đầu chóng mặt, sức khỏe giảm sút thấy rõ”. Tương tự, gia đình chị Trần Thị M. vì không chịu nổi mùi nhựa nấu nên phải thường xuyên đóng cửa nhà để sang bên ngoại lánh nạn. “Tôi sợ đứa con nhỏ mắc bệnh viêm đường hô hấp như nhiều trẻ quanh đây nên phải đưa cháu về ngoại cho an toàn. Nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài chúng tôi cũng chưa biết tính sao. Bởi dân kêu mãi nhưng cũng như không…” Chị M. bức xúc nói.
* Sản xuất chui?
Đến tận nơi để tìm hiểu, chúng tôi thấy hàng chục xưởng nấu nhựa, cao su tái chế được xây dựng san sát nhau trên khu đất rộng hơn 1 hécta, chẳng khác nào một cụm công nghiệp nhỏ! Tại những khu vực sản xuất, chúng tôi thấy nhiều đống túi ny-lông, bao PP phế liệu chất cao ngất ngưởng, ngổn ngang. Do để lâu ngày nên những “núi” phế liệu này rỉ ra nước màu đen rất hôi thối. Theo người dân ở gần xưởng tái chế thì nước thải này xả thẳng ra môi trường xung quanh. Gặp trời mưa, lượng nước thải đen ngòm ấy chảy ra cánh đồng lúa gần đó. Đã có nhiều thời điểm, lúa bỗng dưng héo úa và chết trên diện rộng, ngoài loại nước thải đó thì nông dân không tìm được nguyên nhân nào khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở nấu nhựa tái chế ở xã Hố Nai 3 gây ra, Phó phòng Tài nguyên - môi trường huyện Trảng Bom Ngô Đức Vượng khẳng định: “Phòng Tài nguyên - môi trường huyện chưa cấp bất kỳ giấy phép sản xuất nào cho các cơ sở nấu nhựa tái chế trên địa bàn huyện. Trong tháng 4 vừa qua, chúng tôi có tiến hành đợt kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên toàn huyện, nhưng điểm nấu tái chế nhựa nói trên chúng tôi không biết, vì xã không gửi danh sách lên. Qua phản ảnh này, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại ngay, kiên quyết không để tình trạng ô nhiễm diễn ra làm ảnh hưởng sức khỏe người dân”. |
Trong cái nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại, tiếng máy chạy kêu inh ỏi, đặc biệt là mùi keo nhựa khét lẹt, anh T., công nhân đứng máy tại đây, cho biết chủ cơ sở tên Hanh. Ông Hanh thỉnh thoảng mới đến xưởng. “Cực lắm anh ơi! Mùi hôi rất khó chịu! Không có việc nên tụi tôi mới làm ở đây, lương chỉ có 150 ngàn đồng/ngày. Tôi mới làm được 3 tháng nhưng thấy người yếu đi nhiều, chắc do môi trường ô nhiễm nên ảnh hưởng đến sức khỏe” - anh T. tâm sự. Tại một xưởng kế cận, anh H. cho hay, công nhân bị giam lương đã 2 tháng. Theo anh H., việc thì nặng nhọc, đi chỗ nào cũng ngửi thấy hôi thối nhưng đành chịu vì có kêu ca cũng chẳng được gì.
Số lao động đang làm việc tại những xưởng tái chế nhựa mà chúng tôi đã gặp đều khẳng định, nếu có việc làm khác thì họ chẳng dại gì đến đây để hàng ngày hít vào cơ thể khí độc hại ấy. Điều đáng nói ở chỗ, một số cán bộ UBND xã Hố Nai 3, mặc dù thừa nhận thường xuyên ngửi mùi khét lẹt của nhựa tái chế, song lại nhấn mạnh: lâu nay không có đơn thư khiếu nại, phản ảnh của người dân về vấn đề ô nhiễm trong khu vực nên chưa tiến hành kiểm tra.
Đề cập về cơ sở nấu nhựa tái chế trên địa bàn, ông Hồ Thanh Hải, cán bộ địa chính môi trường xã Hố Nai 3, cho biết khu vực nêu trên hoạt động được khoảng 3 năm. Vào tháng 6-2012, UBND huyện Trảng Bom đã ra quyết định xử phạt hành chính cơ sở gây ô nhiễm môi trường đối với doanh nghiệp này. Từ đó đến nay, những kiến nghị của người dân đều được UBND xã chuyển lên huyện xử lý!
Giao Thủy - Hải Đăng