Đã gần 2 năm nay, mỗi khi qua lại trên đường vào khu Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), nhiều người không khỏi xót xa khi thấy những cấu kiện của ngôi mộ cổ được phát hiện ở Cầu Xéo nằm trên vỉa hè ...
Đã gần 2 năm nay, mỗi khi qua lại trên đường vào khu Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), nhiều người không khỏi xót xa khi thấy những cấu kiện của ngôi mộ cổ được phát hiện ở Cầu Xéo nằm trên vỉa hè ...
Trong khi hài cốt và đồ tùy táng sau khi khai quật được bảo quản và trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Đồng Nai thì phần cấu kiện mộ cổ đến nay vẫn nằm vất vưởng dưới nắng mưa.
* “Chân dung” mộ cổ
Quá trình triển khai thi công dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, mộ cổ Cầu Xéo (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) được phát hiện. Nhằm lưu giữ, bảo tồn nguyên trạng mộ cổ, đồng thời giải phóng mặt bằng, ngày 5-9-2011, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã mời một số chuyên gia đầu ngành về khảo cổ trong và ngoài tỉnh tiến hành khai quật, di dời toàn bộ cấu kiện cũng như hài cốt và đồ tùy táng về Bảo tàng Đồng Nai.
Những cấu kiện mộ cổ Cầu Xéo nằm chỏng chơ bên vỉa hè, chưa biết khi nào được phục dựng. |
Ngôi mộ hợp chất cổ Cầu Xéo có kiến trúc khép kín hình chữ nhật, nếu tính cả phần tường bao, mộ có chiều dài khoảng 8,5m, rộng 4,6m, từ nơi đặt huyệt ra cửa được ghép liền bởi hai phần quách và phần sân tiền. Cùng với đó là nhiều họa tiết trang trí và kiến trúc mang đặc trưng của kiến trúc mộ quý tộc, như: trụ cổng hình búp sen, cặp bàn thờ hông đối xứng giữa phần quách và phần tiền sảnh, tượng tròn linh thú chầu bên, chân bàn thờ bia, thờ thổ địa, bình phong kiểu “chân quỳ”. Ngoài ra còn có các cặp phù điêu với những họa tiết hình chim thú và hoa lá đa dạng, sinh động (long, lân, quy, phụng, nai, cây đa, cây si, vân mây cách điệu…). Trên tấm bia có cả di tồn Hán Nôm quý hiếm, cặp câu đối và bình phong hậu. Đặc biệt, ngôi mộ còn có các mô-tuýp trang trí kiến trúc mộ phần chỉ thấy ở nơi yên nghỉ của các vị tiền hiền hoặc dòng dõi danh gia, quyền quý của xứ Nam bộ xưa.
Thi hài trong ngôi mộ cổ này được xác định là nữ giới, có độ tuổi từ 50-60, cao khoảng 1,45m. Thông qua các đồ tùy táng, chủ nhân ngôi mộ này được nhận định có thể là một nữ quý tộc. Theo báo cáo khoa học của đoàn khảo cổ, ngôi mộ có niên đại cách đây khoảng 200 năm. Mộ cổ Cầu Xéo được xây dựng từ vôi sống, cát, mảnh san hô và vỏ nhuyễn thể nghiền vụn, than hoạt tính, giấy dó, rơm, rạ băm nhỏ. Các thành phần kết dính như mật đường hay nhựa thực vật như ô dước nam (Lindera myrrha) cũng được tìm thấy qua độ cứng, dẻo của vật liệu, nhất là các phần tô đắp tượng tròn, tạo hình trang trí, khắc họa chân quỳ bệ thờ bàn thờ bia, bình phong hậu…
* Bao giờ phục dựng?
Theo dự kiến, sau khi việc khai quật hoàn thành vào cuối tháng 11-2011, hài cốt và đồ tùy táng được đem về Bảo tàng Đồng Nai để bảo quản và trưng bày, còn những cấu kiện của ngôi mộ cổ này được di chuyển về khu Văn miếu Trấn Biên phục dựng, bảo tồn. Được xác định có nhiều chi tiết độc đáo, lạ, hiếm và còn khá nguyên vẹn nên việc khôi phục và bảo quản mộ cổ Cầu Xéo là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những khối cấu kiện của ngôi mộ lại không được quan tâm nên để lăn lóc nơi ven đường trong thời gian dài đã gây dư luận không hay về việc bảo tồn giá trị văn hóa.
Nằm trên vỉa hè chỉ cách cổng chính vào Văn miếu Trấn Biên vài trăm mét, do đó những khối đá này đã gây cảm giác tò mò và thậm chí là khó chịu cho các vị khách khi tới đây tham quan. Anh Nguyễn Văn Trung, một khách du lịch từ xa đến tham quan văn miếu nhận định: “Ngay gần cổng văn miếu mà để các cấu kiện ngôi mộ cổ nằm chình ình ở ven đường, thật không phù hợp với không gian của khu Văn miếu Trấn Biên đầy giá trị nhân văn”. Tương tự, bà Trương Ngọc Anh, ngụ KP5, phường Bửu Long, bức xúc nói: “Hàng ngày phải chứng kiến ngôi mộ cổ nằm trên vỉa hè, tôi thấy thật xót xa. Cần có sự tôn trọng với các vị tiền nhân, không thể khai quật xong rồi để lay lắt như vậy được. Về tâm linh, tôi nghĩ không phù hợp đạo lý truyền thống của dân tộc ta”.
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai, chia sẻ: “Là người làm công tác bảo tồn di tích, nhìn ngôi mộ phơi nắng, phơi mưa, chúng tôi cũng chạnh lòng lắm. Đã 3 lần chúng tôi kêu xe cẩu tới di dời ngôi mộ vào một chỗ trong khuôn viên Văn miếu Trấn Biên để tiện che đậy, bảo vệ, thế nhưng các chủ xe đến coi rồi bỏ đi vì sợ đụng chạm tới những thành phần liên quan đến người chết. Chính vì vậy, toàn bộ cấu kiện ngôi mộ chưa thể di chuyển đi nơi khác”. |
Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai, trước khi khai quật mổ cổ Cầu Xéo, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch dự kiến đưa các cấu kiện của ngôi mộ về phục dựng tại khu nghĩa trang thuộc dòng họ Võ Hà
(TP.Biên Hòa), bởi trước đó đã nhận được sự đồng thuận của những người quản lý nghĩa trang. Thế nhưng, khi đưa ngôi mộ về đây thì một số người trong dòng họ này lại không đồng ý. Vì vậy, ngôi mộ đành phải nằm… chờ ngoài đường. Trong thời gian tới, khi quy hoạch khu mộ dòng họ Võ Hà thành nơi lưu giữ mộ cổ, mộ cổ Cầu Xéo được đưa vào đây phục dựng. Khi đó nghĩa trang này sẽ thành một nơi quy tụ mộ cổ hiếm có trên cả nước.
Văn Chính