Lâu nay, nhiều quy định pháp luật đã có hiệu lực nhưng vẫn không thể thực thi.
Lâu nay, nhiều quy định pháp luật đã có hiệu lực nhưng vẫn không thể thực thi.
Đó là một số quy định về xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động tại trạm xăng, hút thuốc lá nơi công cộng, xử lý hình sự các trường hợp ngoại tình...
* Vi phạm khá phổ biến
Thực tế, khi mới ban hành, các quy định trên đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, thế nhưng sau đó lại rơi vào quên lãng chỉ vì… khó thực thi.
Sử dụng điện thoại di động tại các trạm xăng diễn ra khá phổ biến. |
Đơn cử là sau gần 2 tháng Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực (từ ngày 1-5-2013), nhưng đến nay chưa có người vi phạm nào bị xử phạt. Trong khi đó, tình trạng hút thuốc lá ở những địa điểm bị cấm, như: bệnh viện, nơi làm việc, khu vực công cộng (nhà ga, bến xe, công viên) diễn ra khá phổ biến. Không ít trường hợp bị nhắc nhở, người hút thuốc lá ở nơi cấm còn trả lời tỉnh bơ: “Mỗi lần thấy thèm là tôi hút, có ai phạt đâu mà lo!”.
Tương tự, Nghị định 52/CP (có hiệu lực từ ngày 5-8-2012) về hành vi sử dụng điện thoại di động tại trạm xăng cũng đang bị “bỏ quên”. Thực ra, hầu hết những điểm bán xăng đều treo bảng cấm sử dụng điện thoại, nhưng không mấy khách hàng quan tâm. Bà Võ Thị Phương Thảo, quản lý trạm xăng Hợp tác xã Gò Me, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) bức xúc kể: “Từ trước đến giờ, tôi chưa thấy có lực lượng nào đến đây để xử phạt người sử dụng điện thoại trong lúc đổ xăng. Nhiều người khi bị chúng tôi nhắc khéo còn thách thức, thậm chí đòi đánh”.
* Vướng ở đâu?
Theo ông Văn Quyết Thắng, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Đồng Nai, thì vấn đề xử phạt người sử dụng điện thoại trong lúc vào trạm xăng rất khó thực hiện. Nguyên nhân là thời gian người dùng điện thoại diễn ra rất nhanh, trong khi lực lượng chức năng mỏng nên không thể túc trực tại các trạm xăng để “bắt quả tang” người vi phạm. Đây cũng là điểm khó khi tiến hành xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, bởi chỉ khi nào “bắt tận tay” người vi phạm thì mới xử lý được.
Hiện nay còn nhiều quy định pháp luật không thực hiện được do dùng những “khái niệm” không rõ ràng. |
Nhận định về một số điều luật khó thực thi, luật sư Vòng Kiềng, Hội Luật gia tỉnh, cho biết hai quy định trên đều quy định thẩm quyền xử phạt thuộc một số ngành. Tuy nhiên, nếu không có lực lượng chuyên trách thì rất khó phát huy hiệu quả. Ngoài thẩm quyền xử phạt còn vướng, hiện nay còn nhiều quy định pháp luật không thực hiện được do dùng những “khái niệm” không rõ ràng. Chẳng hạn, Điều 147 Bộ luật Hình sự nêu rõ: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm”. Nhưng thế nào là chung sống như vợ chồng là điều rất khó chứng minh. Trong khi để truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc sống chung phải “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này nhưng vẫn tiếp tục vi phạm”.
K.Liễu