Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi không được, ở không xong…

10:11, 24/11/2013

Đó là tình cảnh của 136 hộ dân ở KP.7, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) có đất nằm trong dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 2.

Đó là tình cảnh của 136 hộ dân ở KP.7, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) có đất nằm trong dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 2.

Sau gần 10 năm tính từ thời điểm quy hoạch được công bố, đến nay dự án trên vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi đó, cuộc sống của các hộ dân sống trên đất dự án gặp rất nhiều khó khăn.

* Khu dân cư ba không

Do thuộc đất quy hoạch nên số hộ dân ngụ trong khu vực này không được đầu tư cơ sở hạ tầng, mặc dù nhà cửa đã xuống cấp từ lâu. Các gia đình cũng phải mua điện, nước sinh hoạt với giá cao.

Nhà nằm trong đất quy hoạch hiện đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa.
Nhà nằm trong đất quy hoạch hiện đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa.

Theo người dân nơi đây, thông báo về dự án quy hoạch có từ năm 2003, nhưng đến năm 2009 các gia đình mới nhận được quyết định thu hồi đất. Sau đó, Hội đồng bồi thường TP.Biên Hòa (nay là Trung tâm phát triển quỹ đất) tiến hành đo đạc và kiểm kê tài sản trên đất rồi… để đó. Riêng khoản tiền đền bù, gần 4 năm qua chẳng có đơn vị nào nhắc đến.

Nói về dự án đã hơn 10 năm nhưng chưa thực hiện, ông Phan Văn Đỡ, ngụ tổ 31, bộc bạch: “Nhà tôi có gần 1 ngàn m2 đất nông nghiệp đang để không vì… chờ dự án. Dù có đất, nhưng 3 người con khi lập gia đình cũng không thể chia đất ở riêng mà phải sống chung trong căn nhà chật chội. Nhà tôi xuống cấp từ lâu cũng đành để vậy vì đơn vị chức năng đã kiểm kê tài sản”.  Tương tự, ông Phạm Quốc Long, người đã sống ở đây lâu năm bức xúc: “Khu dân cư ở thành phố mà còn thua vùng sâu, vùng xa bởi có ba không: Không điện, không nước sạch, không đường giao thông. Phần lớn nhà cửa của dân đều đã xuống cấp, xập xệ nhưng chẳng ai dám sửa chữa vì sợ bỏ tiền ra sẽ mất trắng. Đúng là chúng tôi đi không được, ở cũng không xong”.

Để có điện sinh hoạt, các hộ dân phải câu nhờ từ một nhà máy ở Khu công nghiệp Hố Nai. Do dùng điện kế phụ nên giá luôn ở mức cao, từ 3 - 8 ngàn đồng/kWh. Còn nước sạch, người dân phải mua tận xã Hố Nai 3 chở vào với giá 70 ngàn đồng/m3.

* Bao giờ dự án được thực hiện?

Trước tình cảnh trên, một số hộ dân có điều kiện đã tự chuyển nhà đến nơi khác sống tạm. Đối với những gia đình khó khăn thì đành bám trụ để chờ nhận tiền bồi thường mới có thể tính đến kế hoạch đi đâu, làm gì.

Trong khi các hộ dân nóng lòng vì sống trong vùng dự án “treo” thì các đơn vị chức năng lại không có câu trả lời dứt khoát. Giải thích về việc chậm chi trả bồi thường cho số hộ dân có đất bị thu hồi, ông Lê Trực, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa, cho biết tuy đã thực hiện xong việc kiểm kê nhưng do vướng ở khâu xác nhận nguồn gốc đất nên dự án bị chựng lại. Ông Trực cũng cho biết, không hiểu vì lý do gì mà từ khi triển khai dự án đến nay, không thấy chủ đầu tư đến liên hệ để triển khai dự án.

Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hố Nai (giai đoạn 2) do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hố Nai làm chủ đầu tư, với tổng diện tích đất thu hồi của 136 hộ dân để thực hiện dự án là 280 ngàn m2, trong đó có 70 hộ thuộc diện phải giải tỏa trắng.

Đề cập về việc xác nhận nguồn gốc đất cho các hộ dân có đất trong dự án, Chủ tịch UBND phường Long Bình Bùi Hữu Nam thừa nhận hiện còn 70 trường hợp giải tỏa trắng chưa thể xác nhận được vì thiếu hồ sơ kỹ thuật thửa đất. Nguyên nhân là do quá trình sử dụng, đất của các gia đình này có nhiều biến động. Hơn nữa, vì là đất quy hoạch nên theo quy định thì không cho phép tách thửa, và một khi không tách thửa thì không thể có hồ sơ kỹ thuật thửa đất được. Theo ông Nam, để có căn cứ xét duyệt nguồn gốc đất, chính quyền địa phương kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét có hướng giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp.

Kim Liễu

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều