Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiến pháp thể hiện ý Đảng, lòng dân

05:12, 01/12/2013

Ngay sau khi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, phóng viên Báo Đồng Nai đã ghi nhận một số ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Ngày 28-11, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội (486/488 đại biểu có mặt) đã tán thành việc thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi. Ngay sau khi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, phóng viên Báo Đồng Nai đã ghi nhận một số ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

>>> Toàn văn Hiến pháp sửa đổi

 Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi  Ảnh: TTXVN
Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi Ảnh: TTXVN

* Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường: Quy định về thu hồi đất có nhiều điểm sát thực tế

Tôi rất vui mừng khi Quốc hội vừa thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi). Hiến pháp lần này đã chuẩn bị một cách công phu, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân và bám sát các định hướng phát triển của đất nước. Đây thực sự là bản Hiến pháp cho thời kỳ đổi mới, với nhiều điểm hay, sát với thực tế. Hiến pháp khẳng định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật, quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ. Việc giữ nguyên quy định thu hồi đất trong Hiến pháp là cần thiết, đây là quy định hết sức quan trọng. Bởi thực tế, để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các địa phương (trong đó Đồng Nai) cần phải triển khai nhiều dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng… Rõ ràng nhất là Hiến pháp lần này quy định việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.  Đây là một nội dung quan trọng, tôi rất tâm đắc bởi quy định rõ các nguyên tắc về trưng dụng, thu hồi đất và các trường hợp được thu hồi đất tránh lạm dụng, hạn chế việc thu hồi đất tùy tiện.

* Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh: Sớm đưa Hiến pháp vào cuộc sống

Các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiếp pháp sửa đổi là một trong những điều mà tôi đặc biệt quan tâm bởi có nhiều điểm mới.

Về hình thức, bố cục của bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể hiện tầm quan trọng, vị trí của quyền con người. Bên cạnh đó, Hiến pháp có những quy định để đảm bảo quyền con người hết sức rõ ràng. Để Hiến pháp đi vào cuộc sống, cần sớm có các văn bản luật quy định cụ thể, như thực hiện trưng cầu dân ý ra sao...  Đây là những lĩnh vực hiện chưa có các văn bản luật quy định cụ thể.

Về mặt nội dung, Hiếp pháp quy định các quyền dân chủ trực tiếp của công dân, như: quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực, quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh, quyền tham gia hội họp… Đây là những quy định chặt chẽ đảm bảo quyền con người, đảm bảo thực hiện các quy định quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Qua đó, khẳng định nhà nước ta cam kết bảo đảm, bảo vệ tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như công ước quốc tế.

* Ông Nguyễn Thành Ái (ấp Thanh Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành): Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Qua bản tin chiều 29-11 từ hệ thống loa truyền thanh xã, tôi rất vui mừng khi hay tin Quốc hội thông qua bản Hiến Pháp sửa đổi. Tôi rất tâm đắc khi Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc lãnh đạo nhà nước, xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Bởi, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Và vai trò đó đã được chứng minh, khẳng định thông qua sự gương mẫu, đầu tàu của đội ngũ đảng viên ở cơ sở trong việc xây dựng chính quyền, chăm lo đời sống nhân dân ngày càng phát triển.         

* Bà Đặng Thị Kim Phụng, Bí thư chi bộ KP.7, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa): Hiến pháp bảo đảm thực thi quyền con người

Hiếp pháp sửa đổi đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trong đó, điểm mới quan trọng mà tôi thấy tâm đắc nhất là Hiến pháp đã dành một chương (Chương 2) để nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Từ Điều 15 đến Điều 52, Hiến pháp sửa đổi đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người. Chương 2 còn bổ sung 5 điều mới (Điều 16, 21, 44, 45, 46) vừa làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992, vừa bổ sung một số quyền mới, như: quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành. Đồng thời, Hiến pháp thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

* Ông Hoàng Minh Sáng (dân tộc Hoa, ngụ ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom): Đồng tình với bản Hiến pháp sửa đổi

Trong đợt đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa qua, cộng đồng người Hoa trong xã cũng đã có nhiều đóng góp tích cực. Đặc biệt, cộng đồng người Hoa đã đồng tình và đề nghị giữ nguyên Điều 4 trong bản Hiến pháp 1992, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quốc hội đã thông qua Hiến pháp, với sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho nhân dân. Bà con chúng tôi cũng hoàn toàn đồng tình với các nội dung được ghi trong Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

* Anh Phạm Văn Vượng, Bí thư Đoàn xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom: Hiến pháp đã quan tâm đến quyền con người

Do phần lớn thanh niên trong xã đang trong độ tuổi lao động, nên trong các buổi sinh hoạt chính trị về đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 diễn ra vừa qua, đại đa số thanh niên trong xã đều tham gia đóng góp sôi nổi vào Điều 10. Trong đó, chúng tôi thống nhất Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh điều được quan tâm nhất, những nội dung được quy định trong Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua cũng được thanh niên và nhân dân trong xã hoan nghênh.

K.Liễu - Đ.Phú  - N.Sơn - V.Truyên (thực hiện)

[links()]

Tin xem nhiều