Dịp tết năm nay, lượng khách thập phương đến viếng các chùa ở TP.Biên Hòa khá đông. Tuy không còn tình trạng khói hương nghi ngút đến "ngạt thở" như những năm trước, nhưng lại nở rộ nhiều dịch vụ "ăn theo" ở bên ngoài lẫn bên trong nơi thờ tự…
Dịp tết năm nay, lượng khách thập phương đến viếng các chùa ở TP.Biên Hòa khá đông. Tuy không còn tình trạng khói hương nghi ngút đến “ngạt thở” như những năm trước, nhưng lại nở rộ nhiều dịch vụ “ăn theo” ở bên ngoài lẫn bên trong nơi thờ tự…
Khách viếng chùa lễ Phật tại chùa Phước Huệ, phường Thống Nhất. |
Ngày mùng 3 tết Ất Mùi, bước vào một điểm thờ tự ở xã Hiệp Hòa bà Nguyễn Thị Hòe cùng các con (ở KP.3 phường Tam Hiệp) được bảo vệ nhắc chỉ cần đốt một cây nhang rồi cắm ở bàn thờ chính. Bà Hòe bộc bạch: “Nhìn nhân viên bảo vệ liên tục rút nhang đang cháy dở để đem đi dập tắt, mới thấy mình không nên đốt nhiều nhang. Tôi nghĩ nếu tất cả nhang mà khách thập phương mang đến chùa đều được đốt hết và cắm vào các bàn thờ thì chắc chắn nhiều người sẽ bị ngạt thở vì khói”.
Nói về tình trạng đốt nhiều nhang khi vào chùa, một số vị trụ trì các ngôi chùa ở TP.Biên Hòa cho biết, dịp tết lượng khách đến viếng chùa tăng cao so với ngày thường. Theo đó, nhang được đốt quá nhiều gây khói ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, và không đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy. Vì thế, thời gian gần đây nhiều chùa đã cử người làm nhiệm vụ dập tắt nhang cho bớt khói. Tuy nhiên, lượng nhang đốt dở bỏ đi cũng rất nhiều, rất lãng phí.
Theo Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, cúng sao (giải hạn) được xem là một hình thức tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời. Nhiều người quan niệm năm nào bị sao “xấu” chiếu mệnh thì sẽ gặp chuyện không may, có thể dẫn đến tai nạn, ốm đau, bệnh tật… nên phải cúng sao để được hóa giải. Tuy nhiên, tập tục này không xuất phát từ đạo Phật. Theo thuyết nhân quả của nhà Phật, thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do bản thân mỗi người tự tạo nên. Do vậy, việc nhờ người khác cúng thay mình với bất kỳ dụng ý nào thì đã vượt ngưỡng tâm linh và mang tính thực dụng. |
Dạo quanh một số điểm thờ tự ở TP.Biên Hòa, chúng tôi nhận thấy chính những nỗ lực của các cơ sở này đã khắc phục được tình trạng khói hương nghi ngút thường thấy trước đây. Tuy nhiên, khách đến viếng tại các điểm thờ tự sẽ dễ chịu hơn nếu không bị chèo kéo bởi các dịch vụ “ăn theo” cửa chùa, như: giá giữ xe cao gấp 2-3 lần ngày thường; hàng quán ăn uống, người bán nhang chèo kéo khách; nạn ăn xin nhếch nhác; sách bói toán được giới thiệu tràn lan… làm mất đi sự tôn nghiêm nơi cửa chùa. Thậm chí nhiều người thể hiện khó chịu khi phải chờ đợi hàng giờ nhưng vẫn không được vào chánh điện lễ phật vì nhà chùa bận làm lễ cúng sao (còn gọi là giải hạn). Điều đáng nói là phong tục tín ngưỡng này đang được một số nơi thương mại hóa bằng dịch vụ “cúng thay” và có thu tiền.
Khách thập phương đăng ký nhờ cúng sao giải hạn. |
Tại điểm thờ tự ở xã Hiệp Hòa còn ra giá “cúng thay” là 100 ngàn đồng/người và có ghi biên lai rõ ràng. Nhiều nơi khác tuy không đưa ra mức giá cụ thể, nhưng lại quy định nếu khách muốn được cúng thì phải mua bộ đồ chuyên dụng để “giải hạn”, gồm: 1 tờ giấy mỏng có in chữ màu đỏ, 1 hình nhân thế mạng bằng giấy giá từ 20-30 ngàn đồng và tiền cúng. Tiền này được cho vào thùng công đức có in dòng chữ “thùng công đức cúng sao giải hạn, cúng tam tai” (được hiểu là bị hạn trong 3 năm liên tiếp). Ngoài dịch vụ cúng sao, có chỗ còn tổ chức dịch vụ dâng đèn, treo nhang “thay” trên bàn thờ với mức giá khoảng 100 ngàn đồng cho một cây đèn cầy hoặc một khoanh nhang.
Người ăn xin trước một cơ sở thờ tự ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). |
Kim Liễu