Báo Đồng Nai điện tử
En

Tại sao vào chùa cứ phải thắp nhiều nhang?

09:02, 26/02/2015

Thắp nhang ở chùa là một động thái gởi gắm tâm linh của mỗi người đến Đức Phật. Bởi vậy, khi đến chùa ai cũng cố gắng cắm cho được một cây nhang trước bàn thờ.

Thắp nhang ở chùa là một động thái gởi gắm tâm linh của mỗi người đến Đức Phật. Bởi vậy, khi đến chùa ai cũng cố gắng cắm cho được một cây nhang trước bàn thờ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp cắm cả bó nhang khiến nhiều nơi cửa chùa nghi ngút khói, buộc lòng phải can thiệp bằng cách dập tắt nhang đốt dở để bớt khói.

Anh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong những ngày tết vừa qua, nếu ai đến các chùa ở TP.Biên Hòa, như: chùa Từ Tôn trên đường Đồng Khởi (phường Tam Hiệp), chùa Phi Lai (phường Tân Tiến), chùa Ông (xã Hiệp Hòa), chùa Vĩnh Nghiêm (phường Bình Đa)... chắc chắn sẽ cảm nhận được cảm giác ngột ngạt trong làn khói mịt mù của nhang. Nhưng có ai biết được trong mỗi cây nhang mình cắm lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe? 

Có lần bác sĩ Lương Lễ Hoàng ở TP.Hồ Chí Minh phân tích trên báo chí về thành phần hương liệu trong cây nhang có đến... hàng chục chất độc gây nguy hại cho hệ thần kinh.

Điều đáng nói ở chỗ, khi người ta chen nhau trước bàn thờ Phật để cắm nhang nhưng vái lạy chưa xong thì người túc trực ở đây liền hốt nắm nhang đang bốc khói vứt vào xô nước. Tại một số chùa lớn hiện nay đều phân công người trực tại chỗ lư hương để làm mỗi nhiệm vụ dập tắt nhang. Việc “cắt ngang” lòng thành khẩn cầu khấn của khách thập phương khi nhang chưa cháy hết đã làm nhiều người khó chịu, song nếu không thì cửa Phật sẽ ra sao khi khói nhang bay mù mịt? Tại sao trước chùa không ghi hàng chữ “Mỗi người chỉ cắm một cây nhang” để nhắc nhở mọi người?

Sáng mùng 5 tết Ất Mùi, tôi đi chùa Bửu Phong (phường Bửu Long) gặp một đại gia đình đông xấp xỉ gần...100 người đi viếng chùa. Khi vào tới bàn thờ, một vị lớn tuổi yêu cầu con cháu nếu thấy lư hương có nhang rồi thì không nên thắp thêm mà chỉ cần vái lạy là đủ. Theo người này, đạo là tại tâm, do đó Phật sẽ chứng giám lòng thành của mọi người không phải bằng những cây nhang, vừa lãng phí lại gây ô nhiễm môi trường. Tôi đứng bên cạnh nghe được câu chuyện của gia đình này mà lòng thấy nhẹ nhàng, khoan thai. Giá như có thêm nhiều người cùng suy nghĩ  tích cực như vị khách nọ thì cửa chùa không còn nghi ngút khói nhang nữa, và người đi chùa giảm được bầu không khí toàn khói... độc. Chưa hết, nếu tính khoản tiền nhang đốt dở thì sẽ thấy lãng phí biết bao.

Trường Trí

 

 

Tin xem nhiều