Lâu nay, nhiều người có thói quen khi mua nhà, ngoài thủ tục chuyển quyền sử dụng tài sản thì phần lớn không quan tâm đến những hợp đồng dịch vụ khác, như: hợp đồng mua bán điện, nước, truyền hình cáp…
Lâu nay, nhiều người có thói quen khi mua nhà, ngoài thủ tục chuyển quyền sử dụng tài sản thì phần lớn không quan tâm đến những hợp đồng dịch vụ khác, như: hợp đồng mua bán điện, nước, truyền hình cáp…
Nhân viên Điện lực Biên Hòa đang kiểm tra và lập biên bản một trường hợp vi phạm sử dụng điện năm 2014 (ảnh minh họa). Ảnh tư liệu |
Sự bất cẩn này đã khiến một số người sử dụng điện vô tình vướng vào sai phạm, bởi nhiều trường hợp chủ nhà cũ có hành vi câu móc đường dây “lậu” để khỏi trả tiền, nên chủ nhà mới bỗng dưng thành kẻ trộm điện.
Ông Hoàng Trọng Ninh, Giám đốc Điện lực Biên Hòa, cho biết trên địa bàn thành phố thường xảy ra tình trạng mua bán nhà, đất dưới hình thức viết giấy tay. Việc không hợp thức hóa tên người sử dụng điện lâu nay khá phổ biến, dẫn đến chỗ sử dụng điện sai quy định. Để không gặp rắc rối về sau này, người dân phải thực hiện thủ tục mua bán điện mang tên mình. Hiện tại, Điện lực Biên Hòa đang tiến hành mời khách hàng đến ký lại hợp đồng mua bán điện nhằm nắm bắt chính xác số khách hàng. |
Điển hình là mới đây, do không làm thủ tục hợp đồng mua bán điện nên khi ngành chức năng kiểm tra thì chủ Hội quán N. (đường Đồng Khởi, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) mới tá hỏa vì bị phát hiện nơi đây có dấu hiệu vi phạm sử dụng điện. Thực tế, chủ Hội quán N. không hề có hành vi trộm điện, nhưng người chủ trước đã làm điều này mà không bị phát giác.
Tương tự, chị Trần Thị A., ngụ tại xã An Hòa (TP.Biên Hòa), cũng bất ngờ khi nhân viên điện lực kiểm tra đường dây điện trong nhà và được thông báo đã vi phạm về sử dụng điện. Nguyên nhân cũng do chị A. mua lại nhà mà không sang tên hợp đồng mua bán điện. Trong khi đó, vị chủ nhà trước có hành vi trộm điện nhưng chưa bị phát hiện. Bản thân chị A. lại không biết việc chủ nhà trước đã vi phạm pháp luật nên cứ thế dùng điện từ đường dây có sẵn...
Đối với những trường hợp bị phát hiện sử dụng điện không đúng quy định, cơ quan chức năng sẽ lập biên bản vi phạm với chủ thể hợp đồng (tức người chủ trước). Tuy nhiên, nếu người chủ sau không liên hệ được với người chủ trước hoặc bị người này phủi trách nhiệm thì điện lực sẽ lập biên bản vi phạm và cắt điện. Sau đó ngành điện sẽ tiến hành truy thu và chuyển hồ sơ sang Sở Công thương để xử phạt hành chính. Chỉ đến khi khách hàng đóng tiền truy thu và nộp phạt đầy đủ mới được cung cấp điện trở lại. |
Trao đổi về vấn đề liên quan đến sai phạm trong sử dụng điện gia đình, đại diện Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai cho biết, số vụ vi phạm được phát hiện trong thời gian qua so với thực tế còn ít. Những người “bị” vi phạm dạng này, ngoài việc phải đóng phạt thì hình thức xử lý cũng không phải nhẹ. Do đó, khi mua nhà hoặc thuê mướn mặt bằng kinh doanh, chủ mới cần liên hệ với điện lực địa phương để được hướng dẫn làm thủ tục sang tên hợp đồng; hoặc kiểm tra đường dây trước khi ký tiếp hợp đồng mua bán điện.
Ngọc Liên