Báo Đồng Nai điện tử
En

Các công trình thờ tự, di tích văn hóa, giáo dục sẽ được tôn tạo

12:03, 24/03/2015

Quyết định số 2923/QĐ-UBND tỉnh về duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do lãnh đạo UBND tỉnh ký ngày 13-9-2013 có nêu rõ: Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng và công trình giáo dục được gìn giữ, tôn tạo.

Quyết định số 2923/QĐ-UBND tỉnh về duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do lãnh đạo UBND tỉnh ký ngày 13-9-2013 có nêu rõ: Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng và công trình giáo dục được gìn giữ, tôn tạo.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du trong giờ ra chơi. Ảnh: P.Liễu
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du trong giờ ra chơi. Ảnh: P.Liễu

Theo đó, Phụng Sơn tự quy mô 1.590m2 có công trình cao 1 tầng; khu đình Phước Lư quy mô 1.744m2 có công trình cao 1 tầng; khu Trường tiểu học Nguyễn Du và Sở GD-ĐT - tổng quy mô 8.490m2, công trình cao 3-4 tầng. Những khu vực này đều có ý nghĩa về văn hóa và lịch sử phát triển của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề liên quan đến Trường tiểu học Nguyễn Du, ông Đặng Văn Tới, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết do ý thức được đây là trường tiểu học đầu tiên của Biên Hòa - Đồng Nai được Pháp xây dựng trước năm 1915 nên tập thể nhà trường luôn tự hào và ra sức giữ gìn. Hiện nay, Trường tiểu học Nguyễn Du là một trong những trường tiểu học danh tiếng của Biên Hòa, mỗi năm có trên 2 ngàn học sinh theo học. Thời gian qua, đã một số lần trường được sửa chữa nhưng vẫn giữ lại những nét cổ kính vốn có của một ngôi trường lâu đời. Chính điều ý nghĩa này đã tô đẹp cảnh quan của trường, góp phần bảo tồn di tích lịch sử của ngành GD-ĐT Biên Hòa. “Trường được giữ lại để trùng tu, tôn tạo nhằm giữ gìn như một di tích lịch sử thì đó là việc cần thiết và đáng hoan nghênh” - ông Tới nói.

Trong khi đó, nói về khuôn viên Phụng Sơn tự mai này được tôn tạo, ông Lôi Thành, Phó ban trị sự Phụng Sơn tự, cho rằng đây là cơ hội để chùa mở rộng, thu hút khách thập phương. Ông Thành nhấn mạnh: “Phụng Sơn tự và những di tích có giá trị văn hóa, giáo dục, lịch sử khác nằm trong dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai không bị ảnh hưởng gì trong quá trình thực hiện dự án là điều người dân rất mừng. Điểm thờ tự của chúng tôi là cơ sở tín ngưỡng của người Hoa, được xây dựng từ năm 1960. Hiện tại, cơ sở Phụng Sơn tự là hội quán của hơn 200 người Hoa bang Phúc Kiến tại TP.Biên Hòa. Khi dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai hoàn tất, chùa sẽ có thêm một mặt tiền nữa về phía sông Đồng Nai, rất thuận tiện để chúng tôi đổi cửa chính nhà chùa hướng ra sông, đồng thời sắp xếp lại việc thờ tự trong chùa cho hợp lý, thu hút khách thập phương đến viếng chùa đông hơn. Có thể nói, đây là dịp để Phụng Sơn tự phát huy được các giá trị văn hóa vốn có. Do vậy, tôi rất đồng tình với việc triển khai thực hiện dự án trên và mong muốn công trình sớm hoàn tất”.

Về dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, theo ông Nguyễn Văn Nốp, Chánh tế đình Phước Lư, người dân địa phương rất kỳ vọng về một công trình ven sông tương xứng với vùng đất Biên Hòa đang từng ngày phát triển. Thế nhưng, mấy ngày qua những thông tin trái chiều trên báo chí khiến dư luận không khỏi bàn tán. Ông Nốp cho rằng, đã là chủ trương của tỉnh mà có lợi cho dân thì nên triển khai.

Đề cập về ngôi đình Phước Lư ở đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Quyết thắng (TP.Biên Hòa) nằm trong dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Nốp, Chánh tế đình, khẳng định nếu được gìn giữ và tôn tạo đình sẽ có thêm không gian cho việc tế lễ. Đình Phước Lư hình thành từ lâu đời, tồn tại cả trăm năm qua, thờ thần Thành hoàng bổn cảnh, và những bậc tiền nhân khai khẩn vùng đất, lập làng. Hàng năm, đình có 2 dịp lễ lớn vào tháng 2 và tháng 11 thu hút khá đông người dân tới dâng lễ, cầu mong cho xóm làng yên bình, gia đình hòa thuận. “Một khi đình được giữ lại thì sau khi tôn tạo, tôi tin rằng sẽ thu hút người dân đến dâng hương, tham quan ngày một nhiều. Bên cạnh đó, việc tôn tạo sẽ giúp đình có điều kiện mở rộng thêm sân đình để việc tổ chức lễ hội được thuận tiện hơn, thể hiện được nét đặc sắc trong văn hóa dân gian lâu đời ở Đồng Nai tại các đình, chùa” - ông Nốp bộc bạch.

        Kim Liễu  - Ngọc Liên - Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều