Báo Đồng Nai điện tử
En

Chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về giải quyết oan sai

12:03, 16/03/2015

Sáng 13-3, tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã chất vấn trực tiếp đối với ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các vấn đề, như: thực trạng về án oan sai, giải quyết bồi thường sau oan sai, trách nhiệm của những người liên quan…

Sáng 13-3, tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã chất vấn trực tiếp đối với ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các vấn đề, như: thực trạng về án oan sai, giải quyết bồi thường sau oan sai, trách nhiệm của những người liên quan…

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Vở chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Thư
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Vở chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Thư

Tại buổi chất vấn đã có 20 ý kiến của đại biểu Quốc hội xoay quanh những nội dung này.

* Còn bao nhiêu vụ án oan sai?

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) đã đưa ra một số vụ án cụ thể: Bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải (tỉnh Long An) có oan hay không? Hình phạt tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng (tội giết người ở Hải Phòng) đúng chưa? Tại sao ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) liên tục kêu oan trong nhiều năm nhưng khi bị cáo Chung ra đầu thú thì vụ án mới được giải oan? Vụ ông Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận) kêu oan trong suốt 16 năm qua nhưng gần đây mới được xem xét? Trong các vụ án trên có dư luận cho rằng có bức cung, nhục hình vậy thì có đơn tố cáo của các bị can hay không...

Trả lời ý kiến của đại biểu Đương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình xác định, trong số 5 vụ án trên mới chỉ xác định được vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn là oan sai. Riêng các vụ án còn lại sau khi có đơn kêu oan của bị cáo hoặc người nhà, các cơ quan tố tụng đã phối hợp để giải quyết. Tuy nhiên, đây là những vụ án gây xôn xao dư luận nên việc xem xét cần phải thận trọng. Đối với vụ án Hồ Duy Hải (tỉnh Long An), để xác định bị cáo có oan hay không phải có đơn kháng nghị của viện kiểm sát và hiện tòa vẫn chưa nhận được đơn kháng nghị. Trong khi đó, quá trình làm việc với bị can, tổ công tác liên ngành chỉ nhận được đơn xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin được thi hành án (tử hình) của bị cáo.

Theo ông Trương Hòa Bình, trong thời gian qua Tòa án nhân dân tối cao đã nhận được 35 trường hợp có đơn kêu oan với các mức án từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình về các tội danh khác nhau. Qua đó, cơ quan chức năng đã giải quyết được 24 trường hợp và hầu hết đều xác định việc xét xử của tòa án là phù hợp và đúng pháp luật. Trong số này có 3 trường hợp vẫn tiếp tục có kháng cáo; 11 trường hợp còn lại các cơ quan tố tụng tiếp tục xem xét giải quyết trong thời gian ngắn nhất.

Đối với việc có hay không chuyện bức cung, nhục hình để dẫn đến các vụ án oan mà một số đại biểu nêu ra tại buổi chất vấn, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng trên thực tế đã có những vụ án bị bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, phần lớn là các vụ án ở cấp huyện. Trong các vụ án này do cán bộ điều tra chưa tôn trọng sự thật khách quan mà coi trọng lời khai trọng cung hơn trọng chứng cứ. Các điều tra viên chỉ tập trung vào việc lấy lời khai các bị can mà xem nhẹ việc thu thập chứng cứ có tại hiện trường. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến các vụ án oan sai một phần là do năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ điều tra chưa tốt và có tư tưởng nôn nóng trong quá trình điều tra.

* Bồi thường oan sai còn chậm

Đặt vấn đề về việc bồi thường cho các vụ án oan sai trong thời gian vừa qua như vụ ông Chấn, hay vụ Phan Văn Lá (tỉnh Long An) đã phải chịu thân phận bị can trong suốt 21 năm, đại biểu Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng các cơ quan tố tụng đã đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong việc bồi thường, vậy trách nhiệm của chánh án đến đâu? Trả lời vấn đề này Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, để có cơ sở bồi thường thì những người bị oan sai phải cung cấp cho tòa án các chứng cứ, tài liệu. Tuy nhiên, một số trường hợp đã không cung cấp tư liệu liên quan cho tòa nên chưa thể xem xét.

Cũng đặt vấn đề về tiền bồi thường khi xảy ra oan sai, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng trong 3 năm trở lại đây số tiền mà tòa án các cấp phải bồi thường oan sai lên đến hơn 6 tỷ đồng; số tiền này đã được người trực tiếp xét xử oan sai hoàn trả cho Nhà nước được bao nhiêu? Bởi dư luận không đồng tình việc cá nhân gây ra oan sai lại đi lấy tiền ngân sách mà bồi thường. Về mặt này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, theo Luật Bồi thường Nhà nước quy định chỉ hoàn trả trong trường hợp do lỗi cố ý. Trong thời gian qua có xảy ra các vụ việc oan sai nhưng chưa xác định được do lỗi cố ý của thẩm phán nên chưa có trường hợp nào phải hoàn trả tiền bồi thường cho Nhà nước.

 Trần Danh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều