Khi tình nghĩa còn mặn nồng, phần lớn các cặp vợ chồng xem tài sản là "của chồng, công vợ". Nhưng khi phần ai nấy đi thì những rắc rối trong tranh chấp tài sản liền phát sinh…
Khi tình nghĩa còn mặn nồng, phần lớn các cặp vợ chồng xem tài sản là “của chồng, công vợ”. Nhưng khi phần ai nấy đi thì những rắc rối trong tranh chấp tài sản liền phát sinh…
Đến Báo Đồng Nai nhờ luật sư tư vấn đòi lại nhà, bà Đ.T.S., 39 tuổi, ngụ phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) cho biết vừa bị chồng đuổi ra khỏi căn nhà mà bà mua bằng tiền riêng. “Trước khi lấy ông ấy, tôi mua một căn nhà giá 5 cây vàng nhưng thiếu lại chủ nhà 5 chỉ. Sau khi kết hôn, chồng tôi trả giúp số nợ trên. Vì tin tưởng nên tôi giao ông ấy đứng tên chủ quyền nhà. 4 tháng sau khi ly hôn, ông ấy đuổi mẹ con tôi ra khỏi chỗ ở mà tôi đã gây dựng nên. Từ đó đến nay mẹ con tôi phải mướn nhà trọ, không biết việc kiện đòi lại nhà có được không” - bà S. bộc bạch.
Trường hợp của ông T.C.G., 51 tuổi, ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa), cũng bức xúc không kém. Theo ông G., 13 năm qua vợ chồng ông đều đi làm có lương. Hàng tháng lương của ông G. dùng để chi tiêu trong gia đình, còn lương vợ ông dư ra thì gửi tiết kiệm. Tin tưởng vợ nên ông G. không để ý đến số tiền ấy, nay ly hôn thì sổ tiết kiệm của người vợ được chuyển sang tên em gái với tài khoản vài trăm triệu đồng. Ra tòa, ông G. không chứng minh được khoản tiền chung đó nên thua cuộc…
Đề cập về những mối tình vợ chồng “giữa đường gãy gánh”, luật sư Ngô Văn Định (Hội Luật gia tỉnh) cho biết ông đã gặp nhiều vụ chia tài sản dở khóc dở cười. Trong đó có những vụ ly hôn chỉ cần vài phút để thống nhất chuyện con cái nhưng lại mất thời gian dài để phân chia tài sản. Điều này cho thấy, một khi đã không còn tình cảm gì với nhau thì vấn đề “của chồng, công vợ” không phải dễ giải quyết. Theo luật sư Định, trong cuộc sống gia đình đôi lúc còn có những vướng mắc rất khó phân định, đó là tài sản riêng của mỗi người nhưng không lập sở hữu cá nhân. Khi ra tòa, vấn đề này được xem là tài sản chung, do đó tòa chia theo sự đóng góp của mỗi người. Vì vậy, khi vợ (hoặc chồng) có tài sản riêng nhưng không đồng ý nhập chung thì nên xác lập quyền sở hữu để làm cơ sở phân chia rạch ròi nếu sau này không còn sống chung.
Uyên Uyên