Theo kế hoạch của Bộ Công thương, nếu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận với báo cáo của Bộ về tình hình liên quan đến điện thì giá điện sẽ tăng trong thời gian tới. Ngay sau khi có thông tin về khả năng điện sẽ tăng giá, dư luận rất quan tâm đến vấn đề này…
Theo kế hoạch của Bộ Công thương, nếu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận với báo cáo của Bộ về tình hình liên quan đến điện thì giá điện sẽ tăng trong thời gian tới. Ngay sau khi có thông tin về khả năng điện sẽ tăng giá, dư luận rất quan tâm đến vấn đề này…
Đồng Nai là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp các nơi đến đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, dịch vụ nhà trọ, khách sạn cũng phát triển không kém. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện năng trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Như vậy, nếu giá điện tăng cũng đồng nghĩa với việc kinh doanh sản xuất và các hoạt động dịch vụ khác đều phải tính toán chi ly hơn sao cho không thua lỗ.
Ông Đỗ Xuân Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai: Giá điện tăng hay không thì khách hàng vẫn phải sử dụng tiết kiệm Hiện tại, Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai thực hiện giá bán điện đến khách hàng theo quy định của Bộ Công thương. Vì vậy, các đối tượng hộ nghèo và hộ thu nhập thấp vẫn tiếp tục được hưởng mức giá điện sinh hoạt thấp nhất của 50kWh điện sử dụng đầu tiên. Ngoài ra, đối với công nhân, sinh viên, người lao động thuê nhà để ở thì ngoài sổ đăng ký tạm trú, có thể căn cứ chứng từ đăng ký tạm trú để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Về việc tăng giá điện trong thời gian tới và những ưu đãi với những đối tượng, như: hộ nghèo, người lao động ở nhà trọ, sản xuất - kinh doanh… sẽ do Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, việc giá bán điện có tăng hay không trong thời gian tới thì người dân vẫn phải sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Điều này mang lại lợi ích cho chính người sử dụng điện và còn là trách nhiệm của mỗi công dân. N.Liên |
Theo dự kiến, mức tăng cao nhất sẽ là 9,5% so với giá điện hiện hành. Giải thích với các cơ quan báo chí về việc tăng giá điện vào thời điểm sắp tới, Bộ Công thương cho rằng giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó gồm điện, xăng dầu... phải được điều hành theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, thời gian qua các tổ chức quốc tế đã khuyến cáo “Giá điện thành phẩm của Việt Nam đang thấp hơn giá sản xuất, nếu không thay đổi thì không doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào lĩnh vực điện năng”. Do vậy, Chính phủ phải bù lỗ vì giá điện dưới giá thành, điều này đã tạo cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất tôn, thép, xi măng… được hưởng lợi vì sử dụng điện nhiều.
Trước tình hình giá điện sẽ biến động gây lo lắng cho người tiêu dùng, Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai cho biết, hiện có 660 ngàn khách hàng đang sử dụng điện do công ty cung cấp. Theo đó, có trên 100 ngàn định mức được cấp cho dịch vụ nhà trọ và hơn 500 ngàn hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt. Số khách hàng này đều được hưởng định mức 50kWh đầu tiên của mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Mặt khác, toàn tỉnh hiện có gần 42 ngàn hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ về điện, trong đó nhiều trường hợp được hỗ trợ 30 kWh/tháng từ ngân sách Nhà nước.
Thông tin về tăng giá điện đang thu hút sự chú ý của doanh nghiệp cũng như người dân. Phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận một số ý kiến dưới đây: * Ông Phan Xuân Thường, Phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Bình An, phường Long Bình (TP.Biên Hòa): Điện tăng giá, doanh nghiệp thêm gánh nặng! Những năm gần đây, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi có thể phát triển. Từ đó, môi trường kinh doanh cũng như cơ hội vay các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng khá thuận lợi. Một trong những gánh nặng của doanh nghiệp hiện nay chính là khoản chi phí không nhỏ cho việc sử dụng điện trong quá trình sản xuất. Hàng tháng, công ty của tôi chi trả khoảng 40 triệu đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng theo dự kiến thì gánh nặng này cũng sẽ tăng lên, khi đó giá thành sản phẩm chắc chắn không thể “giậm chân tại chỗ”. Từ đó sẽ kéo theo sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm. Tôi nghĩ rằng Nhà nước nên cân nhắc trước khi có quyết định tăng giá điện, bởi hiện nay một số mặt hàng chính yếu khác trên thị trường đều đang giảm. * Anh Hồ Văn Long, công nhân ở trọ tại tổ 14, KP.Long Điềm, phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa): Người lao động sẽ khó khăn hơn! Phần lớn công nhân lao động hiện nay đều thuê nhà trọ để ở. Hàng tháng, ngoài tiền thuê nhà thì các khoản tiền điện, nước… cũng bằng một nửa số tiền phòng trọ vì phải trả cho chủ nhà giá cao. Trong khi gần đây, nhiều công ty có nguồn hàng giảm, công nhân làm việc ít hơn nên thu nhập hàng tháng không nhiều. Mặt khác, các gia đình phải lo cho con ăn học thì việc tăng giá điện sẽ gây thêm khó khăn cho người lao động. Bản thân tôi chưa có gia đình, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, nhưng mỗi tháng ngoài tiền nhà trọ tôi phải trả tiền điện với giá 2.500 đồng/kWh. Dù tiết kiệm hết mức, trung bình mỗi tháng tôi chi phí trên 200 ngàn đồng tiền điện. Nếu giá điện lại tăng thì chắc chắn cuộc sống người lao động chúng tôi sẽ khó khăn hơn, nhất là những gia đình có con đi học. * Ông Bùi Minh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất: Giá điện tăng, người nông dân thiệt thòi Sau tết, giá phân bón và công lao động đang có hướng tăng làm chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo. Do đó, nếu giá điện tăng thì người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất, cũng như cuộc sống vốn đã bấp bênh. Xã Hưng Lộc hiện có khoảng 600 hécta đất trồng cây lâu năm, như: chôm chôm, cà phê, tiêu, ca cao… rất cần nguồn điện để tưới, nhất là vào mùa nắng. Hiện nay, nông dân đang được Nhà nước áp giá điện ưu tiên dành cho sản xuất nông nghiệp với giá 1.300 đồng/kWh. Đây được xem là mức giá khá phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, giúp cho sản xuất nông sản có điều kiện phát triển. Thiết nghĩ, ở lĩnh vực nông nghiệp thì thay vì tăng giá điện Nhà nước chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả thì thiết thực hơn. * Ông Nguyễn Dục, tổ 16, KP.4, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa): Trong bối cảnh hiện nay không nên điều chỉnh giá điện Việc Bộ Công thương đề nghị tăng giá điện lên 9,5% với lý do để lấy tiền đầu tư tôi thấy chưa thuyết phục. Tuy không am hiểu sâu rộng về tình hình kinh tế - xã hội nhưng tôi thấy nhiều dự án điện dân sinh, một phần do người dân đầu tư. Trong đó, một số công trình điện sau khi hoàn tất thi công thì cả hạ tầng do dân tham gia đóng góp được bàn giao lại cho ngành điện quản lý. Khi vận hành, điện năng thất thoát lại tính vào giá thành và người sử dụng phải gánh là chưa hợp lý. Là khách hàng, tôi thấy mình không phải là “thượng đế” vì không có sự lựa chọn. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay tôi mong muốn Nhà nước không nên điều chỉnh giá điện tăng. Bởi mỗi lần điện tăng giá là cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, đáng kể là nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ đội giá theo. Ngọc Liên - Kim Liễu (ghi) |
P.V