Đã từ lâu, hình ảnh người phụ nữ với quang gánh trên vai trở nên quen thuộc với đời sống xã hội. Đó là những gánh hàng rong mà người phụ nữ tảo tần sớm hôm để lo cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ở đâu đó chúng ta cũng bắt gặp gánh hàng rong, nhưng lại trên vai đàn ông.
Đã từ lâu, hình ảnh người phụ nữ với quang gánh trên vai trở nên quen thuộc với đời sống xã hội. Đó là những gánh hàng rong mà người phụ nữ tảo tần sớm hôm để lo cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ở đâu đó chúng ta cũng bắt gặp gánh hàng rong, nhưng lại trên vai đàn ông.
Gánh hàng rong trên vai Lê Văn Nam mỗi ngày. Ảnh: Tr.Trí |
Lê Văn Nam, 21 tuổi, quê huyện An Phú (tỉnh An Giang), gánh hàng rong đi bán dạo đã 4 năm nay ở TP.Biên Hòa. Hàng hóa mà Nam gánh đi bán toàn là đặc sản của miền Tây, như: nem chua Lai Vung (Đồng Tháp); kẹo dừa, kẹo đậu phộng (Bến Tre); bánh tét (Long An); bánh in, bánh ú, bánh pía (Sóc Trăng)... Mỗi sáng, vào khoảng 3 giờ Nam từ phòng trọ ra quốc lộ 1 đón xe của mối quen từ miền Tây chở hàng lên, sau đó về sắp xếp hàng đầy hai quang gánh để 6 giờ gánh ra đầu đường Khu công nghiệp Amata (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bán cho công nhân vào ca. Đến 8 giờ, Nam gánh hàng đi bán dạo trên đường Đồng Khởi, đường Nguyễn Ái Quốc tới 14 giờ mới về chỗ ở. Tiền lời một ngày Nam kiếm được chừng 300 ngàn đồng, đủ xoay xở trong cuộc sống và dành dụm chút ít. Nam kể, cảm giác ngày đầu bước vào nghề gánh hàng rong rất…mắc cỡ. Nhưng “cơ duyên” để Nam bước vào nghề này bởi cái gánh bằng tre đã lên nước bóng láng vì được “truyền” từ bà ngoại, đến mẹ rồi chị Hai của Nam, chị gánh bán được 5 năm thì bệnh tim tái phát nên “truyền” nghề cho Nam.
Học hết lớp 10, để đỡ đần gia đình, Nam đành bỏ sách vở lên Biên Hòa nối nghiệp gia đình. Mỗi ngày, dù nắng hay mưa thì đôi chân rong ruổi của Nam vẫn cứ bước đều trên cung đường quen thuộc. Không ít lần Nam muốn bỏ cuộc, song hình ảnh quang gánh của bà ngoại, của mẹ và chị Hai như níu kéo chàng trai duy trì nghề bán hàng rong, mặc dù tương lai của nghề này rất bấp bênh, chẳng biết tương lai sẽ ra sao.
Cũng bán hàng rong như Nam, nhưng ông Nguyễn Văn Út, 42 tuổi, quê huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) lại có “thâm niên” gánh hành tỏi, cá khô, cá mắm suốt 10 năm qua. Theo ông Út, ở quê ít việc nên hai vợ chồng đành tha hương đến Đồng Nai làm ăn sinh sống. Mỗi ngày, ông Út từ nhà trọ ra chợ đầu mối Biên Hòa rất sớm, nhận đủ số hành, tỏi về nhặt bỏ bớt rễ, vỏ rồi chất đầy 2 quang gánh. Sau đó, ông Út một gánh, vợ một gánh lặng lẽ rảo bước đến khu chợ cây xăng 26 trên đường Nguyễn Văn Tiên (phường Tân Phong) ngồi bán lẻ đến tận chiều tối mới về. “Cái nghề quang gánh này tôi đeo bám từ lâu, cũng kiếm sống được qua ngày. Dù có vất vả nhưng đó là công việc lao động chân chính, kiếm tiền từ mồ hôi, nước mắt của mình” - ông Út nở nụ cười chia sẻ.
Trường Trí (TP.Biên Hòa)