Ngày 27-3, Bộ Tài nguyên và môi trường đã có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Đồng Nai. Công văn nói rõ, quy mô dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, tuy nhiên tỉnh phải báo cáo cụ thể việc triển khai dự án.
Trong cuộc họp báo tháng 3 của Bộ Tài nguyên - môi trường diễn ra chiều 27-3 tại Hà Nội, trả lời các câu hỏi của phóng viên về dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Thái Lai khẳng định, với trách nhiệm là cơ quan được Chính phủ phân công quản lý tài nguyên nước, bảo vệ các dòng sông, bảo đảm sự an toàn của nguồn nước, Bộ Tài nguyên - môi trường đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá mức độ tác động của dự án này đến sông Đồng Nai hết sức thận trọng.
Phối cảnh dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. |
Bộ Tài nguyên - môi trường cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thu thập số liệu thẩm tra, tính toán đối với báo cáo đánh giá dòng chảy sông Đồng Nai, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để có những nhận định chính xác về tác động của việc san lấp dự án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.[links(right)]
Các vấn đề liên quan tới sự lưu thông dòng chảy, thoát lũ, tổng thể sông Đồng Nai cũng cần được xem xét toàn diện. Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ chịu trách nhiệm điều phối giám sát. Ngày 28-3, Cục Quản lý tài nguyên nước cùng đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học - công nghệ - môi trường của Quốc hội sẽ làm việc với Đồng Nai để tìm hiểu kỹ hơn vụ việc.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ngày 27-3, Bộ Tài nguyên - môi trường đã có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Đồng Nai. Công văn nói rõ quy mô dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên tỉnh phải báo cáo cụ thể về việc triển khai dự án.
Ông Tùng cho biết thêm, báo cáo ĐTM của dự án đã được phê duyệt từ năm 2009, đánh giá tác động dòng chảy đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh. Đây là dự án có quy mô dưới 20 hécta, do đó báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh Đồng Nai, không phải thẩm quyền của Bộ Tài nguyên - môi trường.
Bà Thái Thị Dần, ngụ ở KP.2, phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa): Ngày xưa bờ sông ở rất xa chứ không sát nhà dân như bây giờ Khi Nhà máy nước Biên Hòa được xây dựng (khoảng đầu năm 1930), cha tôi được điều động về đây phụ trách đơn vị này, làm nhiệm vụ cấp nước cho các cơ quan hành chính của Pháp và một số khu vực dân cư ở trung tâm TP.Biên Hòa. Hồi đó cha mẹ tôi ở luôn trong nhà máy nên lần lượt các con ông bà được sinh ra và lớn lên tại đó. Tôi sinh năm 1938, nhưng giờ này vẫn còn nhớ như in thời thơ ấu của mình bên dòng sông Đồng Nai. Khi học ở Trường tiểu học Nguyễn Du, hầu như ngày nào tôi cũng cùng đám bạn tắm và bơi tại khúc sông đoạn từ đình Phước Lư đến hướng Tòa bố Biên Hòa (UBND tỉnh bây giờ). Hồi đó, bờ sông Đồng Nai ở cách xa chứ không khoét sâu vào tới nhà dân như bây giờ. Gần trạm lấy nước thô ngày trước còn có vựa lúa của ông Ba Khô, ngày nào ghe từ miền Tây cũng chở lúa lên đây chất thành từng đống cao, sau đó chuyển vào nhà máy xay. Năm tôi 8 tuổi, cha tôi mua một dãy nhà nằm sát đình Phước Lư để ở, những căn nhà ở khu vực này đều có khoảng sân phía bờ sông. Đa số những gia đình ở khu vực này khi ấy sống bằng nghề làm bánh hỏi, cung cấp cho tiểu thương ở chợ Biên Hòa và những chợ nhỏ khác. Nhà nào cũng bắc thêm một cái cầu nhỏ để đem khuôn bánh ra sông rửa. Mấy chị em tôi tập tành làm bánh nên chiều nào cũng ra phía sau nhà rửa khuôn và nói chuyện rôm rả với mấy người hàng xóm. Trong tâm trí tôi nhớ nhất là trận lụt lịch sử năm Nhâm Thìn 1952. Khi ấy Biên Hòa chìm trong biển nước dữ, nước sông dâng lên cuồn cuộn khiến nhà cửa bị ngập hết. Trước hoàn cảnh lúc bấy giờ, cha mẹ tôi dẫn các con di tản lên nhà người quen gần Đài Kỷ niệm (thuộc phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa hiện nay) để lánh tạm. Khi nước rút, chúng tôi quay về thì nhà cửa bị hư hại nặng, đồ đạc trong nhà bị nước cuốn đi hết. Khoảng sân sau của các gia đình cũng biến mất do bờ sông bị sạt lở lấn vào. Từ đó trở đi, bờ sông cứ bị nước bào mòn dần. Dãy nhà của gia đình tôi hiện giờ vẫn còn, nhưng để lại cho mấy đứa cháu là con của người chị cả sinh sống. Sau này, vì bờ sông cứ bị sạt lở mãi nên để giữ nhà khỏi bị nước cuốn mất, các cháu tôi phải xây trụ bê tông, dùng cừ để chống. Những năm gần đây, nhiều người nghĩ rằng nhà ở khu vực này nhìn giống như nhà sàn do người dân lấn sông xây dựng, nhưng thực tế là bị sông lấn. Những ngày qua, một số phương tiện thông tin đại chúng nói tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp lấp sông làm dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Nhiều ông học cao cũng tham gia phản đối dự án. Tôi xin nói thẳng, chỉ có những người không phải gốc ở địa phương này mới nghĩ là công trình này “chiếm” lấy dòng sông sẽ gây tác hại khôn lường về sau. Còn cư dân sinh sống ở đây lâu đời đều nghĩ việc trả lại bờ cũ nó vốn như vậy có gì sai đâu mà cứ làm ầm lên thế. Kim Liễu (ghi) |
Theo TTXVN