Bán hàng trái cây, rau củ... lưu động bằng xe gắn máy đang là hình thức buôn bán phổ biến trên một số tuyến đường ở TP.Biên Hòa. Ngoài việc gây cản trở giao thông, chất lượng hàng hóa bán theo hình thức này ra sao, có đủ trọng lượng không… cũng cần phải xem lại.
Bán hàng trái cây, rau củ... lưu động bằng xe gắn máy đang là hình thức buôn bán phổ biến trên một số tuyến đường ở TP.Biên Hòa. Ngoài việc gây cản trở giao thông, chất lượng hàng hóa bán theo hình thức này ra sao, có đủ trọng lượng không… cũng cần phải xem lại.
Người bán hàng bằng xe 3 bánh hoặc xe 2 bánh có gắn thêm thùng xe phía sau để hàng hóa như: rau, củ, quả. Những chiếc xe hàng này thường có mặt ở những nơi đông người qua lại, như: trước các chợ, trường học, cổng bệnh viện… Cách bán hàng lưu động này rất tiện cho người bán ở chỗ có thể di chuyển đến nhiều điểm bán, đồng thời dễ dàng “né” các lực lượng chức năng trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Đối với khách hàng, chỉ cần dừng xe là có thể mua được loại thực phẩm theo ý muốn. Vì vậy, khá nhiều trường hợp người đi đường chọn cách mua hàng ở trên đường, thay vì phải ghé vào các chợ, gửi xe mất thời gian.
Điều đáng nói ở chỗ, ngoài việc bán hàng trôi nổi, chất lượng không đảm bảo, cân không đủ trọng lượng thì chủ xe hàng lưu động còn niêm yết giá không rõ ràng, gây hiểu nhầm cho khách hàng. Điển hình là mới đây, một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Nguyễn Du, phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho biết, trong lần ghé mua me Thái Lan của một xe hàng trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Du, chị muốn cãi lộn với chủ hàng. Bởi loại trái cây này trên thị trường có giá bán là 60 ngàn đồng/kg, trong khi trên xe hàng ghi 6 ngàn đồng/g. Nhiều người đi đường thoạt nhìn tưởng hàng “đại hạ giá” liền tấp vào để chọn mua. Đến khi tính tiền mới bị “hố” vì loại trái này không rẻ như giá niêm yết. Khi người mua thắc mắc thì người bán giải thích là do ghi 6.000 1/g (dấu / ghi thẳng nên người mua dễ hiểu lầm là chữ k hay kg). Trước việc đã rồi, khách hàng đành bấm bụng “xì tiền” ra vì không thể trả lại hàng.
Ngoài ra, một vài người bán hàng rong dạng này còn cố tình ghi sai số trọng lượng hàng hóa khi quy ra thành tiền, để “lừa” khách hàng có thị lực kém. Ví dụ, thay vì ghi 1kg xoài có giá là 10.000đ thì họ ghi 5.000đồng/1/2kg (ảnh). Tuy nhiên, số 2 được ghi nhỏ và nằm ở phía dưới rất khó nhìn thấy.
Nêu lên điều này để thấy rằng có khá nhiều “chiêu” bán hàng để “dụ” người mua đang được tiểu thương áp dụng. Phải chăng, vì chưa có trường hợp nào bị xử lý khi hàng ghi giá niêm yết một đằng lại bán một nẻo?
Lê Vy (TP.Biên Hòa)