Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý lái xe uống rượu, bia ra sao?

09:03, 10/03/2015

Mấy ngày qua, thông tin về Ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Chính phủ chấp thuận về việc tịch thu xe ô tô đối với tài xế uống rượu, bia khiến dư luận không ngớt bàn tán.

Mấy ngày qua, thông tin về Ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Chính phủ chấp thuận về việc tịch thu xe ô tô đối với tài xế uống rượu, bia khiến dư luận không ngớt bàn tán.

Cảnh sát giao thông TP.Biên Hòa xử lý người vi phạm an toàn giao thông.  (ảnh minh họa)
Cảnh sát giao thông TP.Biên Hòa xử lý người vi phạm an toàn giao thông. (ảnh minh họa)

Theo đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị tịch thu ô tô và tước giấy phép 2 năm nếu tài xế có nồng độ cồn trên 80mg/100ml trong máu hoặc vượt quá 0,4mg/ml khí thở; đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe. Tuy nhiên, căn cứ từ thực tế đối với các phương tiện lưu thông thời gian qua, nhiều ý kiến khẳng định phương án trên là không khả thi. Song bên cạnh đó, cũng có ý kiến khác đồng thuận với chủ trương này, bởi thời gian qua rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân là do lỗi của người điều khiển phương tiện đã say xỉn. Một số người cho rằng cấm tuyệt đối lái xe uống rượu, bia là phù hợp nhất.

Tòa soạn Báo Đồng Nai cũng nhận được khá nhiều ý kiến liên quan vấn đề này.                                                     

* Ông Mai Bá Thọ, Chủ Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ vận tải Mai Thọ Anh, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa: Không thể “quýt làm cam chịu”

Hành vi say xỉn, không làm chủ tốc độ sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, thậm chí đe dọa sinh mạng của nhiều người. Đối với doanh nghiệp của tôi, khi tuyển nhân viên thì tiêu chí hàng đầu buộc các tài xế phải cam kết thực hiện chính là đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, vấn đề này lại phụ thuộc vào ý thức chấp hành của từng nhân viên. Vì vậy, nếu tịch thu phương tiện khi tài xế lái xe trong tình trạng “ma men”, theo tôi là chưa thỏa đáng. Việc này nếu áp dụng cho trường hợp lái xe, đồng thời là chủ phương tiện thì dễ chấp nhận hơn. Thử hỏi, nếu vì lỗi của tài xế mà chủ bị mất xe thì khác nào “quýt làm cam chịu”. Hơn nữa, nếu vì mâu thuẫn cá nhân mà tài xế cố tình uống rượu để bị xử lý thì càng oan cho chủ xe hơn.

* Ông Nguyễn Trí, KP.3, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa: Lái xe khi say xỉn thì nên tịch thu bằng lái vĩnh viễn

Thời gian qua, rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân có phần lỗi của tài xế vì đã uống rượu, bia. Hành vi say xỉn mà vẫn điều khiển phương tiện rất đáng bị lên án và phải bị xử lý thật nặng. Theo tôi, đối với những trường hợp phát hiện tài xế uống rượu, bia vượt quá giới hạn thì nên tịch thu bằng lái vĩnh viễn. Đối với kiến nghị tịch thu phương tiện khi tài xế say xỉn thì nên xem xét kỹ lưỡng, bởi vận dụng vào Việt Nam có thể chưa phù hợp vì mức thu nhập của người dân còn thấp, chiếc xe là một tài sản có giá trị lớn. Mặt khác, chưa hẳn người điều khiển phương tiện nhậu quá đà cũng là chủ xe, cho nên sẽ trở nên rắc rối về mặt pháp lý nếu áp dụng hình thức tịch thu xe.

* Thiếu tá Trần Trọng Thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa: Đề xuất tăng mức xử phạt đối với trường hợp tài xế uống rượu, bia là biện pháp chế tài hợp lý

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phần lớn là do người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia quá ngưỡng cho phép. Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có đề xuất Chính phủ một số biện pháp chế tài trong việc xử lý các vi phạm an toàn giao thông, trong đó kiến nghị tăng mức xử phạt và  tịch thu xe ô tô sung công quỹ đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn vượt quá tiêu chuẩn quy định. Cụ thể, trước đây những trường hợp có nồng độ cồn ở ngưỡng từ 0,25-0,4 ml/lít khí thở chỉ bị phạt khoảng 2,5 triệu đồng và tạm giữ xe 7 ngày. Nay mức phạt được Ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất lên đến 15-20 triệu đồng tùy theo phương tiện và mức độ vi phạm; đồng thời sẽ tịch thu phương tiện. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng những đề xuất đó tuy mạnh nhưng hợp lý. Thực tế, mục đích cuối cùng trong việc sử dụng biện pháp chế tài là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân, nên nếu người lái xe chấp hành tốt thì quy định nghiêm đến đâu cũng không bị ảnh hưởng. Do đó, những người sử dụng rượu, bia mà tham gia giao thông và không làm chủ được tay lái thì cần phải suy nghĩ để điều chỉnh bản thân.

Phương Liễu

* Ông Phan Tấn Lộc, tài xế ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa: Chỉ cần thực thi nghiêm các quy định hiện có là đủ

Hơn 35 năm hành nghề lái xe, tôi cho rằng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ là vấn đề cốt lõi giảm được tai nạn giao thông. Bởi một khi người say xỉn điều khiển phương tiện thì đương nhiên cầm lái không chuẩn. Vì vậy, việc áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm đối với các lỗi vi phạm, nhất là tài xế uống rượu sẽ góp phần tác động ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Việc uống rượu, bia khi lái xe hiện có rất nhiều quy định về xử lý, nhưng do thực thi chưa nghiêm dẫn đến chỗ tài xế chủ quan, không chấp hành. Theo tôi, thay vì tịch thu xe khi người lái trong tình trạng “mơ màng” thì nên tăng mức xử phạt lên, như: giam bằng lái lâu hơn, tiền phạt cao hơn... là đã đủ răn đe rồi.

* Ông Bùi Minh Chánh, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán: Tăng hình thức xử phạt là cần thiết

Tôi là tài xế thường xuyên phải chạy các tuyến đường dài, nên trách nhiệm đầu tiên là phải bảo đảm an toàn cho hành khách cũng như bản thân. Tình trạng người say xỉn khi lái xe đang ngày càng phổ biến, do đó tôi ủng hộ đề xuất tăng hình phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn cao, bởi tai nạn dạng này thường rất nghiêm trọng. Hơn nữa, việc tăng hình thức xử phạt cũng là cách nhằm nâng cao ý thức của người lái xe, từ đó có thể giảm được số người chết oan vì tai nạn giao thông như lâu nay. Tôi nghĩ rằng, ngoài quy định về nồng độ cồn đối với tài xế xe ô tô, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần có phương án phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng các chất kích thích khác.

* Luật sư Ngô Văn Định, Hội Luật gia tỉnh: Chế tài mạnh tài xế xe ô tô uống rượu, bia

Căn cứ theo luật định thì khó có thể tịch thu xe đối với tài xế điều khiển ô tô, dù có uống rượu nhiều. Theo tôi, việc nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhằm tăng cường răn đe là cần thiết. Chẳng hạn, lần đầu vi phạm tạm giữ xe có thời hạn, thu bằng lái, xử phạt thật nặng; lần hai tạm giữ xe trong thời gian tăng gấp đôi so với lần đầu và xử phạt nặng hơn. Nói cách khác, mỗi lần tái phạm là tăng thêm hình thức xử phạt để răn đe. Tôi nghĩ, cấm hẳn người lái xe ô tô uống rượu, bia là hợp lý nhất. Vì như thế, tài xế mà “mê” rượu, bia chỉ còn cách đi xe máy hoặc taxi, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Trường hợp có vi phạm thì tước giấy phép lái xe dài hạn hoặc vĩnh viễn.

 T. Nguyên - K.Liễu - N.Liên

 

Tin xem nhiều