Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu ấn Thành cổ Biên Hòa

03:04, 13/04/2015

Đến TP.Biên Hòa, người phương xa không khỏi bị cuốn hút bởi những địa danh, như: Cù lao Phố, Bửu Phong cổ tự, Văn miếu Trấn Biên... Trong số những công trình lâu đời ở vùng đất này được nhiều người chú ý còn có Thành cổ Biên Hòa.

Ông Lê Trí Dũng giới thiệu chiếc kèn Tây từng được lính Pháp thổi báo thức mỗi sáng. Ảnh: N.LIÊN
Ông Lê Trí Dũng giới thiệu chiếc kèn Tây từng được lính Pháp thổi báo thức mỗi sáng. Ảnh: N.LIÊN

Đến TP.Biên Hòa, người phương xa không khỏi bị cuốn hút bởi những địa danh, như: Cù lao Phố, Bửu Phong cổ tự, Văn miếu Trấn Biên... Trong số những công trình lâu đời ở vùng đất này được nhiều người chú ý còn có Thành cổ Biên Hòa.

Nhìn về quá khứ, thành cổ (còn gọi là Thành Kèn, nằm trên đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) như một nhân chứng lịch sử với hàng trăm năm hình thành. 

* Trong ký ức người dân

Khu di tích Thành cổ Biên Hòa đang được trùng tu, tôn tạo lại. Đây là dự án mà người dân Biên Hòa chờ đợi việc thi công sớm hoàn thành, bởi đây là công trình không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn khu di tích mà còn là thành cổ duy nhất ở miền Nam còn được lưu giữ.

Ông Trương Văn Thỏa, ngụ tổ 6, KP.1, phường Quang Vinh cho biết đang rất mong công trình được phục dựng lại như xưa để ông cũng như nhiều người khác được vào thăm khu Thành Kèn. Ông Thỏa tâm sự: “Trước đây, việc ra vào thành cổ rất khó nên người dân chỉ đứng ngoài nhìn vào. Hơn nữa tường rào cao và vòng ngoài tường thành còn có giao thông hào rất kiên cố nên Thành cổ Biên Hòa như là một thế giới khác biệt với bên ngoài. Tôi may mắn được vào bên trong vài lần, thấy kiến trúc của Thành Kèn khá đẹp, độc đáo với không gian thoáng mát. Theo sử sách, đây là một căn cứ quân sự quan trọng trong cả hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ nên những dấu tích trong thành cần được tôn tạo như cũ”.

Nhận định về công trình Thành Kèn Biên Hòa, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, ngoài những chi tiết mang đặc trưng của kiến trúc Pháp, như: cửa vòm, gờ chỉ, mái ngói đỏ, ống khói… thì không gian được bố trí, kết hợp hài hòa. Do đó, công trình luôn đảm bảo không khí thoáng mát cho nội thất, kể cả vào mùa nắng.

Có thể nói, trong ký ức của người dân Biên Hòa từ đời này sang đời khác đã tồn tại những câu chuyện, hình ảnh về thành cổ. Tiếng kèn báo thức vào mỗi buổi sáng dù không còn, nhưng nhiều câu chuyện liên quan; cũng như những sự kiện lịch sử về thành trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.

* Kiến trúc đặc trưng

Là công trình mang kiến trúc, dấu ấn của nền văn hóa Pháp, nhưng khi đến thành cổ nhiều người vẫn cảm nhận được sự gần gũi, quen thuộc. Vì nơi đây được chính bàn tay của những người thợ trong khu vực xây dựng và góp phần thi công các họa tiết và kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số vật liệu gồm đá ong đỏ, đá xanh… cũng được khai thác từ Biên Hòa.

Khu vực Thành Kèn Biên Hòa những năm cuối thế kỷ 19. (ảnh tư liệu)
Khu vực Thành Kèn Biên Hòa những năm cuối thế kỷ 19. (ảnh tư liệu)

Nói về công trình thành cổ độc đáo này, ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, cho biết trong quá trình khảo cứu di chỉ khảo cổ ở khu vực di tích Thành Kèn Biên Hòa và vùng ven, đoàn khảo sát tỉnh đã thu thập được một số dữ liệu khảo cổ học quan trọng liên quan đến di tích lịch sử, văn hóa ở vùng đất này. Các hiện vật thu được tại di tích Thành Kèn và vùng ven thuộc thời kỳ phát triển truyền thống văn hóa Óc Eo trên đất Biên Hòa xưa. “Trong suốt thời gian tồn tại, Thành Kèn Biên Hòa là nơi ghi dấu các thời kỳ cư trú của con người xưa. Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn, khai thác những giá trị lịch sử trong công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau là rất cần thiết” - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ XIV-XV Thành Kèn Biên Hòa có tên gọi là Thành Cựu. Thời nhà Nguyễn thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu, có mở rộng hơn. Trong đó Thành Cựu được xây dựng bằng đất lần đầu tiên vào năm Gia Long thứ 15 (1816). Đến năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Thành Cựu được xây lại bằng đá ong đỏ và đổi tên là thành Biên Hòa. Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Thành Kèn và thu hẹp phạm vi thành để làm nơi đóng quân, nên có tên gọi Thành Xăng Đá (phiên âm từ tiếng Pháp là Soldat tức thành lính). Vào những buổi sáng, lính Pháp thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương quen gọi là Thành Kèn. Ngày 12-11-2013, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã xếp hạng Thành cổ Biên Hòa là di tích quốc gia.

 

Ngọc Liên

 

 

 

 

Tin xem nhiều