Sau 1 năm triển khai thí điểm các Văn phòng thừa phát lại trên toàn tỉnh, đến nay hiệu quả của mô hình này mang lại cho người dân cũng như các cơ quan liên quan là không nhỏ.
Sau 1 năm triển khai thí điểm các Văn phòng thừa phát lại trên toàn tỉnh, đến nay hiệu quả của mô hình này mang lại cho người dân cũng như các cơ quan liên quan là không nhỏ.
Người dân đến nhờ tư vấn tại văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa. |
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người chưa biết tổ chức thừa phát lại là gì. Trong khi đây là một tổ chức có thể hỗ trợ đắc lực cho người dân trong việc làm chứng, thi hành bản án một cách nhanh chóng, hiệu quả.
* Đáp ứng nhu cầu người dân
Năm 2014, bà Dương Thị Thu Nga, ngụ tại ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là người thắng trong một vụ kiện mà bà là nguyên đơn. Theo bản án của tòa, bà Nga được giải quyết khoản nợ cũ của mình đối với bị đơn. Tuy nhiên, thay vì phải chờ đợi đơn vị thi hành án thực hiện bản án, bà Nga đã chuyển hồ sơ qua Thừa phát lại Biên Hòa. Sau ba tháng thực hiện các thủ tục cần thiết, bà Nga đã nhận đủ số tiền như bản án yêu cầu.
Chia sẻ vấn đề này, bà Nga cho biết được người quen gợi ý nên đến yêu cầu thừa phát lại thực hiện bản án cho mình. Theo bà Nga, cách đây vài năm bà cũng từng thắng trong một vụ tranh chấp nhưng không thể lấy được tài sản do quá trình thi hành án khá lâu. Điều bà Nga thấy hài lòng là khi đến thừa phát lại để làm thủ tục, những nhân viên ở đây hướng dẫn, giải thích tận tình. Từ đó đem lại niềm hy vọng cho người dân trong việc thực thi bản án mà tòa án đã tuyên xử.
Tại văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa có trụ sở trên đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) khi cúng tôi có mặt, một phụ nữ cho biết bà mua lại một miếng đất nhưng do diện tích quá nhỏ không đủ tách thửa. Vì thế việc mua bán miếng đất này không được thuận lợi, nhất là việc hồ sơ không được chứng thực tại các đơn vị liên quan. Đến đây, người này mới biết đã tìm đúng địa chỉ; được hướng dẫn và tư vấn lập vi bằng để xác minh có sự giao dịch giữa hai bên mua, bán.
* Còn nhiều khó khăn…
Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, quy định công việc chính của đơn vị là: Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự…
Cho đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 5 văn phòng thừa phát lại ở các địa phương gồm các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa. Theo đánh giá của Sở Tư Pháp thì Biên Hòa là nơi có khối lượng công việc làm được trong thời gian qua là nhiều nhất. Trong đó, phần lớn là tống đạt các văn bản, quyết định của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự và lập vi bằng.
Nói về những hoạt động thời gian qua của đơn vị, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa Trần Thị Thu Thủy, cho biết: “Mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng đạt được những kết quả ban đầu khả quan. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít vướng mắc ở một số lĩnh vực, như: việc tống đạt văn bản còn hạn chế so với thực tế vì thiếu những thông tin cần thiết như địa chỉ cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi ít nhận được sự hỗ từ phía các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình lập vi bằng thì việc ghi nhận nơi cư trú của đương sự đôi khi gặp trục trặc do không nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng”.
Ngọc Liên