Báo Đồng Nai điện tử
En

Những bất cập trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp

10:04, 05/04/2015

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ thu nhập và tạo điều kiện cho lao động sớm có cơ hội quay trở lại thị trường lao động. Sau hơn 5 năm thực hiện, BHTN đang bị trục lợi bởi tồn tại quá nhiều bất cập.

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ thu nhập và tạo điều kiện cho lao động sớm có cơ hội quay trở lại thị trường lao động. Sau hơn 5 năm thực hiện, BHTN đang bị trục lợi bởi tồn tại quá nhiều bất cập.

Người lao động làm thủ tục nhận lương thất nghiệp tại Bảo hiểm xã hội  TP.Biên Hòa.
Người lao động làm thủ tục nhận lương thất nghiệp tại Bảo hiểm xã hội TP.Biên Hòa.

Theo quy định, nếu đóng BHTN đủ 12 tháng thì người lao động sẽ được nhận 3 tháng lương trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc. Tuy nhiên, trong thời gian hưởng lương thất nghiệp mà người lao động có việc làm mới, sẽ không được nhận khoản hỗ trợ này.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, chính sách trợ cấp thất nghiệp là để bù đắp thu nhập trong thời gian người lao động không có việc làm, không có nguồn thu nhập khác. Thế nhưng, tình trạng người lao động mất việc song đã tìm được chỗ làm mới nhưng không báo cho cơ quan chuyên trách; người đang làm việc nhưng “giả” thất nghiệp đang có chiều hướng gia tăng.

Đến nhận lương thất nghiệp tháng cuối cùng tại Bảo hiểm xã hội TP.Biên Hòa, chị T.T.M.N., tạm trú ở phường Trung Dũng

(TP.Biên Hòa), tâm sự: “Trước tết, tôi nghỉ việc ở công ty. 3 ngày sau khi nghỉ việc ở công ty, tôi tìm được một chân bán quần áo trên đường Nguyễn Ái Quốc. Thu nhập cũng tương đương, nhưng việc nhàn hơn rất nhiều so với khi làm công nhân”. Nghe hỏi, khi tìm được việc làm mới có phải báo với cơ quan bảo hiểm xã hội không, chị Ng. trả lời: “Chẳng dại gì cho họ biết. Bởi nếu nắm được thông tin này thì họ sẽ cắt lương thất nghiệp ngay”. Trong khi đó, anh Phạm Văn T., ngụ phường Hố Nai

(TP.Biên Hòa), công nhân Công ty N. ở Khu công nghiệp Amata, cho biết công ty anh làm chỉ ký hợp đồng 1 năm. Đủ 12 tháng, công ty tạm trả lương ngoài cho người lao động 1 tháng, sau đó ký lại hợp đồng. Đây là cách để công nhân được hưởng lương thất nghiệp, và doanh nghiệp không phải trả phụ cấp thâm niên cho công nhân.

Đề cập đến việc “lách” quy định về BHTN, bà Võ Thị Thanh Trang, Phó phòng Bảo hiểm chính sách (Bảo hiểm xã hội tỉnh), cho rằng trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng chủ doanh nghiệp “bắt tay” với công nhân để trục lợi như trường hợp nêu trên. Gần đây, ngành đang tìm hiểu và tiến hành kiểm tra, xác minh, song rất khó phát hiện, thậm chí nếu tìm ra bằng chứng cũng không thể phạt doanh nghiệp vi phạm vì thiếu chế tài xử lý. Ngoài ra, còn có tình trạng trong 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc, công ty và người lao động đóng BHTN rất cao để hưởng trợ cấp cũng ở mức cao.

Người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải có đủ 12 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó cứ có thêm 12 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp, nhưng tối đa không quá 12 tháng và mức hưởng từng tháng không vượt quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương cơ sở. Trường hợp người lao động vi phạm pháp luật bị tạm giam sẽ bị ngừng luôn hưởng trợ cấp thất nghiệp; hoặc người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tìm được việc làm mới thì sẽ ngừng hưởng trợ cấp và không được hưởng một lần số tháng trợ cấp còn lại. Khoản tiền này sẽ được bảo lưu và cộng dồn lại cho lần hưởng tiếp theo.

Mặt khác, mức hỗ trợ 1% từ ngân sách Nhà nước có phần bất hợp lý vì tình trạng “cào bằng”. Việc này gây ra sự chênh lệch lớn giữa người lao động  có lương cao nhất và người lao động lương thấp nhất. Qua đó sẽ tạo lợi thế cho số lao động thu nhập cao được hưởng trợ cấp cao khi thất nghiệp. Cụ thể, một người thu nhập 16 triệu đồng/tháng tham gia đóng BHTN. Nếu tính số tiền tương ứng hàng tháng Nhà nước hỗ trợ 1% là 160 ngàn đồng. Trong khi đó, người có mức thu nhập thấp khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, mức hỗ trợ 1% chỉ được nhận 15 ngàn đồng/tháng. Như vậy, khi thất nghiệp người thu nhập cao sẽ nhận lương thất nghiệp cao gấp 10 lần người thu nhập thấp.

Phương Liễu   

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích