Cách đây không lâu, Báo Đồng Nai đã phản ảnh tình trạng đổ rác thành đống ở suối Linh (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) khiến dòng suối bị ô nhiễm trầm trọng…
Cách đây không lâu, Báo Đồng Nai đã phản ảnh tình trạng đổ rác thành đống ở suối Linh (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) khiến dòng suối bị ô nhiễm trầm trọng…
Người dân bức xúc vì tình trạng rác thải đổ xuống suối Linh gây ô nhiễm môi trường. |
Cho đến nay, suối Linh đã trở thành dòng nước đục ngầu với hàng đống rác thải sinh hoạt hàng ngày không ngừng được tống xuống dòng suối. Tai hại hơn, khi dòng suối bị “bóp nghẹt” bởi vô số rác rưởi thì sức khỏe người dân sống hai bên bờ suối này bị đe dọa trực tiếp.
Suối Linh chảy qua 5 phường của thành phố (gồm: Long Bình, Tam Hòa, Bình Đa, Tam Hiệp và An Bình) đang được nạo vét, cải tạo lại. Nhắc đến suối Linh, người dân ngụ gần suối đều ngao ngán bởi nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề do rác thải. Một số đoạn của suối Linh gần đây được hoàn thành, bờ kè xây chắc chắn, song rác từ chợ, từ nhà của những người vô ý thức vẫn vô tư bỏ xuống suối; kể cả xác động vật chết. Mấy tháng qua, vì vào mùa nắng nên suối Linh gần như khô cạn, dòng nước dập dềnh chảy yếu ớt là do nước thải sinh hoạt hoặc nước chăn nuôi gia súc đổ trực tiếp ra suối, cộng với nước rác đã phân hủy nên suối thường xuyên bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Nhận định về dòng suối đang “ngắc ngoải”, bà Nguyễn Thị Gái, ngụ gần suối Linh, đoạn thuộc phường Tam Hiệp, cho biết rác không được dọn dẹp nên dồn ứ lại, tràn lấp cả lòng suối kéo dài hàng trăm mét. “Những ngày qua, nắng nóng bất thường khiến mùi hôi thối ngột ngạt bốc lên từ lòng suối không thể chịu nổi. Mọi nhà đều phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm để “trốn” cái mùi khủng khiếp ấy” - bà Gái bức xúc. Tương tự, anh Nguyễn Duy Cường, nhà ở phường Bình Đa, khẳng định: “Tôi sống ở khu vực suối Linh từ nhỏ nên biết rất rõ dòng suối này. Dạo trước, vào mùa nắng suối có nặng mùi, nhưng nước vẫn chảy thành dòng và không đen như bây giờ. Mấy năm nay, tình trạng đổ rác tràn lan đã “bức tử” dòng suối, nhất là về mùa khô. Do phải sống cùng dòng suối ô nhiễm khiến đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực bị đảo lộn, bởi nhà cửa lúc nào cũng đóng kín, sức khỏe của con cái bị ảnh hưởng vì bệnh tật”.
Trong báo cáo về việc thu gom rác thải của TP.Biên Hòa thì tỷ lệ đăng ký đổ rác bình quân toàn thành phố là 96%. Trong đó, các phường và các chợ có suối Linh chảy qua thì tỷ lệ hộ dân đăng ký đổ rác thải đúng theo quy định đều đạt trên 98-100%. |
Theo một số hộ dân ngụ dọc suối Linh, nếu tính từ cầu suối Linh (phường Long Bình) trở xuống, thì đoạn thuộc phường Tam Hòa là do một số tiểu thương đem rác từ chợ đổ xuống suối. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh Niên Võ Thị Sâm, đại diện Ban quản lý chợ, cho biết chợ Tam Hòa có trên 600 tiểu thương đang buôn bán tại đây. Thời gian qua hợp tác xã có hợp đồng với Công ty dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai lấy rác 2 lần/ngày; mỗi tháng phải chi trên 25 triệu đồng tiền phí thu gom rác. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn hợp đồng 3 nhân viên vệ sinh trong chợ để gom rác lại một chỗ. Vì vậy, nếu có trường hợp nào tiện tay vứt rác xuống suối Linh chỉ là cá biệt” - bà Sâm nói.
Đoạn cuối của suối Linh, khu vực chảy qua phường An Bình, ngập rác. Ảnh: C.THÀNH |
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND phường Tam Hòa Đinh Ngọc Khánh Đoan lại cam đoan phần lớn nước thải và rác xuất phát từ phường khác chảy xuống. Người dân địa phương vô ý thức bảo vệ môi trường xả rác xuống suối thì không nhiều lắm. Theo bà Đoan, nguyên nhân gây ô nhiễm dòng suối Linh là do rác và nước thải từ đầu nguồn phía phường Long Bình mà người chăn nuôi heo xả trực tiếp ra suối.
Khi đề cập vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Long Bình Bùi Đức Nam thừa nhận hiện tại vẫn còn nhiều hộ dân xả nước thải chăn nuôi heo và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra lòng suối. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân khu vực gần bờ suối hiện nay vẫn chưa đăng ký đổ rác đúng theo quy định vì khu vực này đường quá nhỏ nên xe rác không vào được.
Công Thành