Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường song hành Amata bao giờ mới thông?

04:06, 28/06/2016

Sau khi cầu vượt quốc lộ 1 tại ngã tư Amata hoàn thành, đường song hành với quốc lộ đi vào Khu công nghiệp Amata cũng bị bít gây bất tiện cho việc đi lại của người dân...

Sau khi cầu vượt quốc lộ 1 tại ngã tư Amata hoàn thành, đường song hành với quốc lộ đi vào Khu công nghiệp Amata cũng bị bít gây bất tiện cho việc đi lại của người dân...

 Cổng chính từ Khu công nghiệp Amata nối với đường liên khu phố ở phường Long Bình thường ngày bị đóng, chỉ được mở vào giờ cố định nên người dân không thể đi tắt qua đây.
Cổng chính từ Khu công nghiệp Amata nối với đường liên khu phố ở phường Long Bình thường ngày bị đóng, chỉ được mở vào giờ cố định nên người dân không thể đi tắt qua đây.

Để rút ngắn đoạn đường đi vào Khu công nghiệp Amata hoặc đến trụ sở UBND phường Long Bình (TP.Biên Hòa), người tham gia giao thông đã đi ngược chiều trên quốc lộ, gây nên tình trạng giao thông lộn xộn tại khu vực này.

* Lưu thông bất cập

Theo những người thường đi lại khu vực ngã tư Amata, từ khi đường song hành vào Khu công nghiệp Amata bị “xóa sổ” thì việc đi lại của người dân gặp nhiều trở ngại vì phải đi đường vòng xa hơn. Cụ thể, trước đây muốn vào Khu công nghiệp Amata làm việc hoặc đến giao dịch tại trụ sở UBND phường Long Bình thì người dân ở các khu phố 1, 2, 3 và 8B của phường Long Bình chỉ cần đi theo đường song hành Amata là được. Thế nhưng, lúc đường song hành không được mở, buộc lòng người dân phải đi lên phía cầu Sập, quay lại về vòng xoay Tam Hiệp rồi quay lại một lần nữa mới đến được UBND phường Long Bình với đoạn đường hơn 6km, xa gấp đôi so với đi đường song hành Amata.

Bên cạnh đó, điểm cầu Sập nơi quay đầu xe xuống vòng xoay Tam Hiệp lại không có đèn đỏ nên vào các giờ cao điểm phương tiện giao thông tập trung rất nhiều, bao gồm xe máy, xe khách, ô tô con, xe ba gác… và đặc biệt là xe tải đi từ đường cầu vượt xuống nên rất khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông muốn quay đầu xe. Lưu lượng giao thông vào các giờ cao điểm luôn dày đặc nên tình trạng ùn ứ thường xuyên diễn ra. Đây cũng là lý do người đi đường, nhất là học sinh và công nhân, rất ngại đi qua đây vì sợ trễ giờ học, giờ làm.

Ông Hoắc Nguyên Giáp, người bán quần áo trên lề quốc lộ 1 gần cầu vượt Amata, cho biết hàng ngày tại đây có hàng trăm lượt người đi xe máy chạy ngược chiều, rất nguy hiểm đến tính mạng.

* Bao giờ mở lại đường song hành?

Việc người đi đường bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều trên quốc lộ gây nên tình trạng giao thông lộn xộn tại khu vực và đã có nhiều vụ va chạm giao thông xảy ra. “Mong muốn của người dân là cơ quan chức năng quan tâm mở một đường khác “né” quốc lộ 1 để việc đi lại tại khu vực tiện lợi và an toàn hơn. Đã nhiều lần chúng tôi làm đơn kiến nghị đề nghị chính quyền địa phương có ý kiến với UBND TP.Biên Hòa và các ngành chức năng cho mở lại đường song hành, nhưng đến nay vẫn chẳng có câu trả lời cụ thể” - ông Đoàn Mạnh Hùng (ngụ tại KP.2, phường Long Bình) đại diện các hộ dân trong phường bức xúc.

 
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa, cho biết đơn vị đã lập xong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường song hành quốc lộ 1 tại khu vực ngã tư Amata, đang chờ cơ quan chức năng xem xét thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo dự án thì tuyến đường tránh sẽ có chiều dài 421m, điểm đầu giáp ngã tư Amata (trước Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam chi nhánh khu công nghiệp Biên Hòa), điểm cuối giao với đường Yết Kiêu. Dự kiến kinh phí đầu tư là hơn 12 tỷ đồng, vốn bố trí thực hiện dự án trong giai đoạn 2016-2020.

Trong khi đó, trả lời về kiến nghị của người dân, Chủ tịch UBND phường Long Bình Bùi Đức Nam cho biết: “Từ đề xuất của người dân địa phương, phường đã có văn bản gửi thành phố. Được biết, ngay UBND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo Khu công nghiệp Amata cho đấu nối tuyến đường ở các khu phố 3, 4, 5 phường Long Bình từ ngã tư Amata đi qua khu công nghiệp. Từ đó, người dân các khu phố 1, 2 và 8B có thể lưu thông trên các tuyến đường nội bộ trong khu phố để vào Khu công nghiệp Amata. Phía doanh nghiệp bước đầu đã đồng ý, song việc này chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Sau đó công ty lại giới hạn giờ mở cửa kết nối con đường này đi các đường nhánh khác. Cụ thể, chỉ mở cổng vào giờ cao điểm từ 5-8 giờ và 16-18 giờ.

Thay vì phải đi xuống cầu Sập rồi đi ngược theo hướng vòng xoay Tam Hiệp, người điều khiển xe 2 bánh thường chạy ngược chiều trên quốc lộ 1 để đến Khu công nghiệp Amata nhanh hơn.  Ảnh: K.Liễu
Thay vì phải đi xuống cầu Sập rồi đi ngược theo hướng vòng xoay Tam Hiệp, người điều khiển xe 2 bánh thường chạy ngược chiều trên quốc lộ 1 để đến Khu công nghiệp Amata nhanh hơn. Ảnh: K.Liễu

Trước tình thế không thể chủ động đường đi liên quan đến Khu công nghiệp Amata, các cơ quan chức năng của tỉnh và TP.Biên Hòa đang xin chủ trương của tỉnh trong việc mở một con đường song hành quốc lộ mới. Nếu dự án này sớm được triển khai thì mới có thể khắc phục tình trạng giao thông lộn xộn tại khu vực xa lộ Hà Nội, đoạn ngã tư Amata.

Kim Liễu

 

 
 


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích