Mặc dù nhà có 2 cái giếng đóng, nhưng gia đình ông Phạm Văn Hùng ở lô 2, ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) vẫn phải đi mua nước về ăn uống và đi xin nước về tắm giặt.
Mặc dù nhà có 2 cái giếng đóng, nhưng gia đình ông Phạm Văn Hùng ở lô 2, ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) vẫn phải đi mua nước về ăn uống và đi xin nước về tắm giặt. Đặc biệt, vườn tiêu nhà ông Hùng đang chết dần chết mòn vì tưới nước từ giếng bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi heo ở một trang trại chăn nuôi ở gần nhà.
Đã nhiều lần ông Hùng gửi đơn đến UBND xã và các cơ quan chức năng đề nghị xử lý trại heo gây ô nhiễm, nhưng đến nay vẫn không có sự can thiệp nào.
Khi ông Hùng vặn vòi bơm nước từ 2 giếng đóng sâu 55m và 90m, chúng tôi thấy một luồng nước đen sì như nước cống, sủi bọt và hôi thối vọt lên. Theo ông Hùng, vào mùa mưa nên nước đã pha loãng, còn trong mùa nắng dòng nước như đặc quánh lại bởi chất thải heo và hôi thối kinh khủng. Bà Phan Liên Kiêu, vợ ông Hùng, than: “Cách đây gần 3 năm khi những trại heo mới hoạt động, gia đình tôi vẫn sử dụng nguồn nước giếng này. Lúc đó nước chỉ hơi vàng, mùi hôi nhẹ. Vì không có nguồn nước khác nên gia đình tôi vẫn phải bơm lên lắng lọc để nấu nướng và tắm giặt. Một thời gian sau, các cháu trong nhà liên tục bị tiêu chảy, nôn ói, cả nhà tôi ai cũng bị ghẻ lở. Quá sợ, gia đình tôi không dám dùng nước giếng ấy nữa”.
Theo ông Hùng, gia đình ông đã 30 năm sống ở đây với nghề trồng tiêu, năm nào cũng thu hoạch cả tấn tiêu hạt. Từ năm 2013, khi hộ ông Phan Tú ở đối diện lập 2 trại nuôi cả ngàn con heo thịt mà hố thu hồi nước thải cách giếng nhà ông Hùng khoảng 50m thì nguồn giếng nước bị ô nhiễm nặng. Không chỉ sức khỏe người trong gia đình bị suy giảm mà sản lượng tiêu hạt thu hoạch của nhà ông giờ giảm đến 60%, nhiều gốc tiêu thối rữa, cây bị nấm và cháy lá bởi tưới nước từ giếng ô nhiễm này. Hơn 1 năm nay, hàng ngày ông Hùng phải ra chợ Hưng Lộc để mua nước bình về ăn uống, ghé nhà con trai cách đó cả chục cây số để chở nước về tắm giặt. Ông Hùng bức xúc: “Chỉ vì lợi nhuận mà những trang trại này đã không bảo vệ môi trường. Hơn 30 hộ dân với hàng trăm con người trong ấp Hưng Thạnh mấy năm nay rất khổ sở bởi phải sống trong môi trường ô nhiễm cả ngày lẫn đêm, không có nước sạch để sử dụng, không có nước để sản xuất. Những người có trách nhiệm hãy thử xuống sống với bà con ở đây một ngày xem có chịu được không”.
Ấp Hưng Thạnh hiện có khoảng 15 hộ chăn nuôi. Kết luận mới đây của UBND huyện Thống Nhất về hiện trạng môi trường đối với 5 trang trại chăn nuôi lớn ở khu vực này cho thấy: các trang trại này đều xây dựng với quy mô vượt quá quy định cho phép từ 1,5-2,5 lần; trang trại nhỏ nhưng lượng đầu heo chăn nuôi quá lớn dẫn đến việc các công trình phụ trợ không xử lý được hết lượng chất thải; các hồ lắng chất thải không được xây đúng kỹ thuật, để nước thải chưa xử lý thấm trực tiếp xuống đất, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm; chất thải rắn không được xử lý kịp thời và đầy đủ, tình trạng phân heo chảy tràn ra cánh đồng bàu Bà Thống của ấp Hưng Thạnh, dẫn đến tình trạng các ruộng không sản xuất, không canh tác được, nhiều khu vực đất bị bỏ hoang. |
Tương tự, giếng nước của gia đình bà Phạm Trần Thị Điềm, ở gần nhà ông Hùng, cũng bị ô nhiễm nặng bởi nguồn thải chăn nuôi từ trang trại của hộ ông Trần Văn Thành. Sau nhiều lần khiếu nại đến cơ quan chức năng, hộ bà Điềm đã được ông Thành khoan đền một giếng mới. Tuy nhiên, bà Điềm vẫn lo lắng: “Không biết giếng nước mới của nhà tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây “sạch” được bao lâu khi các trang trại chăn nuôi ở khu vực này đang ngày càng gia tăng quy mô và số lượng heo”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề xử lý đơn khiếu nại của ông Phạm Văn Hùng về những trường hợp chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thống Nhất Trần Thị Minh Hải cho biết mới đây phòng đã phối hợp với UBND xã Hưng Lộc đến tìm hiểu sự việc và ghi nhận nguồn nước giếng của gia đình ông Hùng bị ô nhiễm nặng. Từ thực tế này, phòng đang kiến nghị UBND huyện ra văn bản yêu cầu hộ ông Phan Tú phải khoan đền cho hộ ông Hùng một cái giếng khác để lấy nước sinh hoạt. Cũng theo bà Hải, trong tháng 7 này, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện sẽ lập đoàn khảo sát tình hình ô nhiễm môi trường và tiến hành lấy mẫu nước ngầm tại các khu vực có nhiều trang trại chăn nuôi trong toàn huyện. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, sẽ kiến nghị UBND huyện có giải pháp xử lý thích đáng đối với những hộ chăn nuôi này.
Nhiều giếng nước của bà con ở ấp Hưng Thạnh đang bị ô nhiễm nặng nề, trong đó có những giếng đóng sâu hơn 100m cũng không thể sử dụng. Điều đó cho thấy, việc yêu cầu những hộ chăn nuôi heo gây ô nhiễm phải khoan đền cho gia đình bị thiệt hại một giếng mới chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề quan trọng hơn là cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và chính quyền địa phương phải có giải pháp kịp thời ngăn chặn nguồn chất thải đang từng ngày thấm sâu để cứu lấy nguồn nước ngầm để các gia đình ở khu vực an tâm sử dụng và phát triển sản xuất.
Phương Liễu