Học sinh tự khám phá kiến thức, tự tin hơn trong giao tiếp và biết cách làm việc theo nhóm cũng như có trách nhiệm với tập thể… là phương pháp giáo dục của mô hình trường học mới (VNEN) đã thử nghiệm trong thời gian qua ở Đồng Nai. Mô hình này được phụ huynh đánh giá cao.
Học sinh tự khám phá kiến thức, tự tin hơn trong giao tiếp và biết cách làm việc theo nhóm cũng như có trách nhiệm với tập thể… là phương pháp giáo dục của mô hình trường học mới (VNEN) đã thử nghiệm trong thời gian qua ở Đồng Nai. Mô hình này được phụ huynh đánh giá cao.
Một lớp học theo mô hình VNEN tại Trường tiểu học Bửu Long (TP.Biên Hòa). Ảnh: Như Quỳnh |
Môi trường học tập này không dành cho những phụ huynh có tham vọng con mình được đào tạo để trở thành “siêu sao” về thành tích học tập. Hiện tại, đã có 32 trường tiểu học và một số trường THCS trong tỉnh đang áp dụng mô hình VNEN.
* Học mà chơi
Với mô hình VNEN, học sinh không bị quá nhiều áp lực trong học tập. Các em tự tìm hiểu, cùng nhau trao đổi kiến thức.
Anh Trần Phước Nha, có con mới học xong lớp 6 theo mô hình VNEN tại Trường THCS Tân Bửu, cho biết mô hình này giúp học trò khắc phục được những khuyết điểm chung là thụ động trong học tập. “Học theo mô hình VNEN, học sinh phát huy khả năng sáng tạo, tính tự giác và phương thức hoạt động nhóm khá tốt. Sau 1 năm học theo mô hình này, con tôi mạnh dạn hơn, chủ động trong học tập. Hơn nữa, đây là phương pháp học được nhiều nước áp dụng thành công, mang lại những kết quả tích cực” - anh Nha chia sẻ.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết mô hình VNEN đã thay đổi tích cực cách dạy và học, từ phương pháp thuyết trình làm mẫu sang phương thức tổ chức, định hướng và hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trong học tập. Việc đổi mới này đã phát huy tính tích cực, chủ động thể hiện khả năng của học sinh. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát các trường đủ điều kiện nhằm nhân rộng mô hình VNEN. |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Mi, có con đang học lớp 6 tại trường này, cũng thừa nhận điều chị hài lòng nhất khi cho con học mô hình này là các cháu không bị áp lực học quá nặng. Học sinh tiếp cận kiến thức qua nhiều thông tin khác nhau chứ không thụ động chờ giáo viên hướng dẫn làm bài. Theo chị Mi, phụ huynh nên chuẩn bị cho con những kỹ năng cần thiết, như: phát biểu trước đám đông, tự học hỏi và chủ động, sáng tạo mang tính phản biện trong giao tiếp với người đối diện.
Khi được hỏi mô hình VNEN hiệu quả thế nào, nhiều người đều cho rằng tuy không mang lại cho các cháu trở thành học sinh “thần đồng” hay xuất sắc, nhưng hầu hết các cháu đã phát triển đều tất cả các kỹ năng của lứa tuổi đang tìm tòi, học hỏi theo dạng vừa học vừa chơi.
* Chủ động học tập
Là trường đầu tiên ở TP.Biên Hòa thực hiện mô hình VNEN, đến nay Trường tiểu học Bửu Long đã giảng dạy theo phương pháp này được 6 năm. Vượt qua những bước đầu gian nan khi giáo viên chưa quen giáo án mới, phụ huynh học sinh vẫn có tư tưởng chạy theo điểm số của con em mình, nhưng đến nay cách dạy và học của nhà trường đã mang lại hiệu quả rõ rệt; giáo viên có kinh nghiệm hơn trong sắp xếp, tổ chức lớp học.
Khó khăn lớn nhất mà ngành GD-ĐT đang gặp phải chính là điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm. Thực hiện mô hình VNEN tại các trường phải dạy được trên 5 buổi/tuần, trong khi điều kiện cơ sở vật chất nhiều trường chưa thể đáp ứng. Bên cạnh đó, một số ít cán bộ, giáo viên còn lúng túng với phương pháp dạy theo mô hình trường học mới, nhất là đối với giáo viên và học sinh THCS bị giới hạn về thời gian từng tiết học. |
Hiệu trưởng Trường tiểu học Bửu Long Mai Quỳnh Uyên cho biết áp dụng mô hình VNEN ban đầu giáo viên sẽ vất vả hơn do phải tổ chức và hướng dẫn học sinh cách học và chuẩn bị kiến thức trước khi đến lớp. Sau khi học sinh đã làm quen với phương thức hoạt động của lớp, giáo viên sẽ có thời gian quan sát từng em; phát hiện học sinh tiếp thu chậm, giáo viên có cách giảng dạy phù hợp, hiệu quả hơn.
Theo cô Uyên, mô hình VNEN có thể đánh giá đúng thực chất học sinh, nhất là ý thức chủ động học tập, kỹ năng tương tác của từng thành viên trong lớp. Đây là một bước thay đổi quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trên cả nước thời gian tới.
Minh Quân