Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngán ngẩm vì đường tan nát

06:06, 14/06/2016

Mặc dù đã được sửa chữa, dặm vá nhiều lần, nhưng dốc Đồng Lách, một đoạn của đường liên huyện nối KP.4, phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) với xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), vẫn xuống cấp trầm trọng.

Mặc dù đã được sửa chữa, dặm vá nhiều lần, nhưng dốc Đồng Lách, một đoạn của đường liên huyện nối KP.4, phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) với xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), vẫn xuống cấp trầm trọng.

Rất nhiều đoạn trên đường liên huyện hiện bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Rất nhiều đoạn trên đường liên huyện hiện bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo phản ảnh của bà con trong khu vực, sở dĩ đường xuống cấp đã nhiều năm nhưng không được làm mới là do 2 địa phương đùn đẩy trách nhiệm. Phường Tân Hòa “đẩy qua” với lý do tuy là đơn vị quản lý địa bàn, nhưng người đi lại trên đường chủ yếu là dân của xã Hố Nai 3; còn xã Hố Nai 3 “đẩy lại” vì cho rằng không thể tiến hành nâng cấp khi đường đó không thuộc quyền quản lý của mình.

* Con đường tan nát

Tính từ quốc lộ 1 (thuộc phường Tân Hòa) vào đến Giáo xứ Lai Ổn (xã Hố Nai 3), dốc Đồng Lách dài 630m, mặt đường rộng 8m là đường liên huyện dài hơn 2km. Thế nhưng, nhiều năm qua đường xuống cấp nghiêm trọng khiến cho việc lưu thông trở nên khó khăn.

Ông Ngô Văn Hùng, một người sống lâu năm ở khu vực này, cho biết: “Trước đây đoạn dốc Đồng Lách đã được đổ bê tông kiên cố, nhưng chẳng bao lâu thì xuống cấp. Hàng ngày xe tải nặng đi qua rất nhiều làm nứt vỡ mặt đường tạo ra “ổ voi”, những hố nông - sâu gập ghềnh và nhiều tảng bê tông chênh vênh rất đáng sợ. Tại đây đã từng xảy ra một số vụ lật xe chở gỗ, hoặc người đi đường té ngã. Vào những lúc trời mưa to, nước từ các nơi đổ về chảy thành những dòng xoáy rất xiết. Những năm qua đã có 5 người thiệt mạng ở đoạn đường dốc này, trong đó 1 người bị nước cuốn xuống suối”.

Còn bà Đồng Thị Thu, người có thân nhân tử vong cách đây 3 năm do té đập đầu xuống mặt đường lổn ngổn đá bị chấn thương sọ não, buồn bã nói: “Sống ở đô thị loại I như Biên Hòa mà còn tồn tại con đường tan nát đến thế. Cũng chính vì đường quá xấu, cháu tôi chạy xe máy nên té ngã chết oan uổng”. Theo bà Thu, trước đây khi làm đường bê tông, đơn vị thi công đã nén xuống toàn đá xanh cỡ lớn để giữ móng đường cho chắc. Sau này, bê tông bị nứt vỡ, bề mặt bị rửa trôi làm trơ ra đường những tảng đá xanh to, ai chạy xe tay lái không vững sẽ dễ bị té ngã rất nguy hiểm.

Qua quan sát, đường liên huyện nêu trên có lưu lượng xe qua lại khá đông. Trong đó có rất nhiều xe chở gỗ, đồ mộc thành phẩm ra vào liên tục. Thêm vào đó là xe chở đá từ mỏ đá Thiện Tân đi tắt, xe tải trốn trạm thu phí từ đường Nhà máy nước Thiện Tân để ra quốc lộ 1. Vì thế, giao thông ở khu vực này không chỉ phức tạp, lộn xộn mà vào giờ cao điểm, đoạn đường này thường bị ách tắc giao thông do các loại xe phải chạy chậm để tránh những đoạn đường xấu.

* Bao giờ đường được sửa chữa?

Một đoạn đường chỉ dài hơn nửa cây số xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm nhưng vẫn chưa được chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng quan tâm. Cử tri nơi đây đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có kế hoạch tu sửa đường để người dân đi lại thuận lợi, nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 Hoàng Thế Vinh thừa nhận người dân đi lại trên con đường này phần lớn là của 2 ấp Lộ Đức và Đông Hải thuộc xã Hố Nai 3. “Để bà con đi lại vất vả kéo dài như thế, chúng tôi cũng băn khoăn. Xã cũng đã nhiều lần làm việc với UBND phường Tân Hòa để thống nhất kiến nghị lên cấp trên việc sửa chữa đoạn đường này. Tuy nhiên, sự phối hợp không đi đến kết quả mong muốn”.

Do đoạn đường này phức tạp cả về địa hình lẫn giao thông nên theo ước tính ban đầu, kinh phí làm đường lên tới 15 tỷ đồng. Trong đó, phần thi công phải gia cố lại móng cũng như bờ kè 2 bên thật kiên cố để không còn tình trạng rửa trôi, xói mòn, sạt lở bề mặt đường khi có mưa lớn. Dự kiến ngân sách sẽ được phân bổ như sau: tỉnh chi 40%, thành phố 40% và người dân đóng góp 20%. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn việc đóng góp 20% đó như thế nào cho hợp lý, bởi không thể chỉ ép cho những hộ nằm dọc theo đoạn đường này phải đóng góp, trong khi đi lại nhiều chủ yếu là người dân của xã Hố Nai 3. Ngoài ra, để tránh tình trạng xe trọng tải lớn cày nát đường thì sau khi công trình được tu sửa, cần có những giải pháp hạn chế xe trọng tải lớn đi qua.

Trong khi đó, Quyền Chủ tịch UBND phường Tân Hòa Trần Quang Minh cho hay đoạn đường này đã từng được làm kiên cố và tu sửa mấy lần. Song do đường dốc cao, lượng xe trọng tải lớn qua lại nhiều khiến cống thoát nước bị sạt lở. Mỗi lần mưa lớn, nước đổ xuống ào ào rửa trôi bề mặt làm cho đường mỗi ngày thêm hư hỏng nặng nề, dẫn đến chuyện lưu thông của nhân dân rất cơ cực, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. UBND phường có kiến nghị UBND TP.Biên Hòa xin chủ trương nâng cấp đoạn đường này. Theo kế hoạch đã thông báo, trong tháng 6 này lãnh đạo và các ban, ngành chức năng của thành phố sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát để có phương án tu sửa lại đoạn đường trong thời gian tới.     

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều