Lấy lý do đường do người dân tự bỏ tiền ra làm, 2 ấp Lộ Đức và Đông Hải thuộc xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) đã thống nhất đặt chốt để thu phí đối với xe có trọng tải lớn qua lại.
Lấy lý do đường do người dân tự bỏ tiền ra làm, 2 ấp Lộ Đức và Đông Hải thuộc xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) đã thống nhất đặt chốt để thu phí đối với xe có trọng tải lớn qua lại.
“Nhân viên” thu tiền xe tải qua “trạm thu phí”. Ảnh: P.Liễu |
Mục đích thu phí đường, theo các ban ấp này là để tạo khoản tiền dành cho việc tu sửa, nâng cấp đường sau này; đồng thời hạn chế tình trạng xe tải “né” trạm thu phí đặt tại xã Thiện Tân.
* Ai đặt chốt thu phí đường?
“Chốt” thu phí của 2 ấp Lộ Đức và Đông Hải được đặt tại tiệm bán tạp hóa, bên ngoài là barie có chiều cao khoảng 2m. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi đếm được 24 lượt ô tô, xe tải các loại đi qua, trong đó có 9 xe tải có trọng tải lớn phải dừng lại đóng phí với khoản thu từ 15-20 ngàn đồng/lượt.
Anh Nguyễn Phi L., một tài xế xe tải thường xuyên chở mạt cưa trên đường này, nói: “Những xe nhỏ qua lọt chốt barie thì không phải đóng phí, còn xe tải lớn thì bị chặn lại. Trong này là khu gia công đồ gỗ, mỗi ngày tôi chở cả chục chuyến mạt cưa qua lại và đều phải đóng tiền đường. Tính ra, có ngày tôi mất gần 200 ngàn đồng phí đường. Có khi kẹt tiền, tôi xin đóng 10 ngàn đồng, nhưng họ không chịu”. Tương tự, một tài xế xe tải từ mỏ đá Thiện Tân qua đây phàn nàn: “Xe tôi ngày nào cũng phải qua chốt 1-3 chuyến và phải nộp 20 ngàn đồng/lượt, nếu không họ bắt đi ngược lại qua đường chính. Do đường vòng khá xa nên tôi đành chấp nhận nộp phí. Việc thu phí như thế là vô lý và quá cao”.
Bà Đinh Thị Sen, người được giao việc thu phí đường, cho biết: “Con đường này do Giáo xứ Lai Ổn và bà con giáo dân 2 ấp Lộ Đức, Đông Hải đóng góp để làm. Mỗi hộ dân đóng góp từ 500 ngàn - 1 triệu đồng. Về việc thu phí, xe tải của những hộ dân trong 2 ấp có đóng tiền làm đường thì đi tự do, những xe từ nơi khác ra vào thì phải đóng phí. Khi có xe lớn, tôi thu tiền kéo barie lên rồi cho họ đi, xong lại hạ barie xuống. Sáng 7-8 giờ tôi ra mở cửa bán hàng, lúc ấy mới thu. Chiều 17 giờ, tôi đóng cửa hàng thì không thu nữa. Ngày lễ, ngày nghỉ hoặc tôi bận việc không bán hàng thì cho xe qua lại tự do. Mỗi lần thu phí tôi để vào hộp gỗ này, sau vài tháng ban ấp mở khóa lấy tiền để dành sửa đường sau này”.
* Tự thu phí có đúng quy định?
Trong khu vực 2 ấp Lộ Đức và Đông Hải có khoảng 5 con đường nhỏ thông với nhau. Theo người dân nơi đây, dạo trước những con đường này rất sình lầy, đầy ổ voi ổ gà nên đi lại khó khăn.
Để có tiền tu sửa đường, Ban hành giáo Giáo xứ Lai Ổn và các ban ấp phải đi vận động tiền của những cơ sở mộc. Ngoài ra, linh mục Chánh xứ Lai Ổn Nguyễn Văn Uy đã vận động giáo dân trong giáo xứ đóng góp tiền làm đường. Bằng nguồn vốn tự huy động, 5 con đường nội ấp với tổng chiều dài khoảng hơn 1 ngàn m đã được bê tông hóa khang trang với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa đóng đủ tiền nên còn thiếu lại nhà thầu thi công khoảng 150 triệu đồng.
Theo Thông tư số 05/2010/TT-BGTVT ngày 9-2-2010 của Bộ Giao thông - vận tải về “Quy định về tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ” nêu rõ: các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chỉ được đặt chốt, trạm thu phí để thu hồi vốn khi có sự chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn từ cơ quan thầm quyền. Riêng hành vi nhận tiền mặt của người sử dụng phương tiện giao thông mà không giao vé là hành vi trái quy định và sẽ bị xử lý theo quy định và pháp luật hiện hành. |
Trao đổi về vấn đề thu phí đường, ông Nguyễn Văn Huynh, Phó trưởng ban ấp Lộ Đức, thừa nhận là đã có sự thống nhất. Theo ông Huynh, việc thu phí đường chỉ để tạo thêm kinh phí dùng cho việc sửa chữa đường sau này. Việc thu phí các ban ấp đã báo cáo với Chi bộ ấp và UBND xã Hố Nai 3 cũng như Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom. “Từ khi đường được nâng cấp, xe tải chở đá cũng như xe trốn trạm đi vào rất nhiều. Mới hơn 2 năm đưa vào sử dụng, nhiều đoạn đường đã bị nứt vỡ do bị xe quá tải gây ra. Nếu chúng tôi không thu phí thì lấy đâu ra tiền để tu sửa những đoạn đường đã bị hư hỏng? Hơn nữa, vì còn thiếu tiền trả nhà thầu thi công nên việc thu phí cũng là để dành tiền trả nợ” - ông Huynh nói. Riêng mức thu, ông Huynh cho biết ban hành giáo cũng như ban ấp chỉ thu với mức giá vừa phải và chỉ thu với những xe trọng tải lớn. Còn về thời hạn thu, ban ấp không đặt ra chỉ tiêu thu trong bao lâu. Mỗi tháng, số tiền thu được khoảng 2-3 triệu đồng được giao về ban hành giáo dùng vào việc trả nợ và gây quỹ sau này dặm vá những đoạn đường hư hỏng.
Trong khi đó, đề cập về việc ban ấp Lộ Đức và Đông Hải tự đặt chốt, Phó chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 Hoàng Thế Vinh cho rằng chính quyền địa phương không biết. Ông Vinh khẳng định, trước đây 2 ban ấp có kiến nghị với xã được đặt một barie ngang đường để hạn chế lượng xe tải từ đường Nhà máy nước Thiện Tân (thuộc phường Tân Biên) đi vào. Vấn đề này xã đồng ý giao cho các ban ấp tự quản lý đường nội bộ. “Việc thu phí đường ở 2 ấp Lộ Đức và Đông Hải do bà con tự đặt ra, không phải là chủ trương của xã. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ làm việc với các ban ấp để giải quyết ngay việc tự ý dựng “trạm thu phí” này” - ông Vinh nhấn mạnh.
Phương Liễu