Báo Đồng Nai điện tử
En

Chênh vênh cầu tạm

11:07, 22/07/2016

Chiếc cầu tạm nội đồng bắc qua suối Sông Ray tại ấp Bình Minh, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) đã sử dụng hơn 20 năm, đến nay chưa được đầu tư sửa chữa lần nào...

Chiếc cầu tạm nội đồng bắc qua suối Sông Ray tại ấp Bình Minh, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) đã sử dụng hơn 20 năm, đến nay chưa được đầu tư sửa chữa lần nào... 

Đây là chiếc cầu độc đạo giúp người dân vận chuyển nông sản từ cánh đồng rộng 80 hécta trồng lúa của Tập đoàn 6. Do được sử dụng hàng chục năm qua, cầu đã xuống cấp nên mỗi lần qua đây người dân phải nín thở, vì chỉ cần sơ suất nhỏ sẽ bị rơi xuống suối.

* Hồi hộp qua cầu

Cầu suối Sông Ray có chiều dài khoảng 20m, rộng 2m. Cầu này do dân tự đóng góp kinh phí nên thi công khá sơ sài với bề mặt được làm từ những thanh bê tông ghép lại, đặt trên một khung sắt; chân cầu dựng bằng trụ bê tông.

Chiếc cầu suối Sông Ray là con đường duy nhất để người dân đi lại thăm đồng. Mỗi lần đi trên cầu, người điều khiển các loại xe máy xới, xe cải tiến hay máy thu hoạch nông sản đều phải rất cẩn thận mới qua trót lọt. Ảnh: N.Liên
Chiếc cầu suối Sông Ray là con đường duy nhất để người dân đi lại thăm đồng. Mỗi lần đi trên cầu, người điều khiển các loại xe máy xới, xe cải tiến hay máy thu hoạch nông sản đều phải rất cẩn thận mới qua trót lọt. Ảnh: N.Liên

Ông Nguyễn Đình Phú, nông dân ấp Bình Minh, cho biết cầu suối Sông Ray đưa vào sử dụng gần 20 năm qua. Hiện nay, các hộ làm nông đã cơ giới hóa nông nghiệp nên trang bị nhiều máy móc phục vụ sản xuất. Dù thấy chiếc cầu không bảo đảm an toàn, nhưng vì không còn chọn lựa khác nên các hộ dân buộc phải đưa máy móc vào đồng theo con đường duy nhất là qua cầu. Theo ông Phú, cầu suối Sông Ray rất yếu trong khi khá nhiều xe cải tiến qua lại mỗi ngày. Lâu nay đã có một số trường hợp bị té xuống suối. Tuy chưa xảy ra chết người, nhưng bà con rất hồi hộp mỗi khi ra đồng, nhất là vào ban đêm.

Là người đã từng rơi cả người và xe cải tiến khi đang đi trên cầu suối Sông Ray, ông Lâm Văn Hùng, ngụ ấp Bình Minh, chia sẻ: “Không chỉ mình tôi bị rơi xuống cầu, mà một vài trường hợp khác cũng lọt suối lúc chở nông sản qua cầu. Vẫn biết chiếc cầu quá nhỏ và yếu, nhưng nếu không đưa xe cơ giới vào đồng thì nông dân không thể canh tác hiệu quả được nên đành chấp nhận rủi ro để qua cầu. Khoảng cách từ cầu xuống đáy suối khoảng 7m. Mùa khô dưới đáy trơ đá, còn mùa mưa nước chảy khá siết. Những khi mưa lớn nước từ các con suối nhỏ khác cùng đổ về khiến cầu bị ngập, người dân chưa xong việc ngoài đồng đành phải chờ nước rút hết mới dám về nhà”.

* Mong chờ chiếc cầu an toàn

Cầu suối Sông Ray đã quá già cỗi nên rất cần được thay thế bằng cầu khác. Người dân nơi đây đã từng đề xuất chính quyền địa phương sớm xem xét đầu tư làm cầu mới để việc đi lại thuận lợi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. “Nông dân xã Suối Cát sống nhờ ruộng đồng, 1 năm làm 3 vụ lúa cho năng suất cao nên chiếc cầu quanh năm phải oằn mình gánh trọng lực dường như vượt sức chịu đựng. Vì vậy, thời gian gần đây mỗi lần có xe chở nông sản đi qua là chiếc cầu rung rinh, nếu kéo dài mãi không biết chừng nào nó sụp đổ” - ông Lâm Văn Hùng lo lắng.

Xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) có 2 chiếc cầu nội đồng, một bắc qua cánh đồng Tập đoàn 6 và một bắc qua cánh đồng Tập đoàn 7. Mới đây, UBND huyện Xuân Lộc đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chiếc cầu tại cánh đồng của Tập đoàn 7, trị giá khoảng trên 3 tỷ đồng. Riêng chiếc cầu đến cánh đồng Tập đoàn 6 vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có kế hoạch khảo sát hay họp dân lấy ý kiến nên chưa biết đến bao giờ cầu suối Sông Ray mới được làm mới.

Người dân địa phương đều cho rằng, đã 20 năm trôi qua chiếc cầu bắc qua suối Sông Ray góp phần rất lớn trong sự phát triển của địa phương, nâng cao đời sống nông dân Tập đoàn 6. Trọng trách ấy giờ có lẽ vượt sức “già” của một công trình tạm kéo dài ngần ấy thời gian. Khi tận mắt chứng kiến sự chênh vênh của cây cầu, chúng tôi mới thấy hết mối nguy hiểm rình rập hàng ngày mỗi khi bà con nông dân đặt chân lên cầu. Chỉ cần một chiếc xe máy đi qua, chiếc cầu cũng rung lắc nên chẳng ai dám mạo hiểm chạy nhanh. Tuy nhiên, sự cẩn thận của mỗi người có lẽ không thể kéo dài mãi, nhưng đến khi nào xây cầu khác thay thế? Câu hỏi này, người dân không trả lời được. 

Nói về những khó khăn của nông dân ở Tập đoàn 6, ông Phan Thành Công, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Suối Cát, cho biết lâu nay bà con trong xã đi lại rất vất vả. Vì chưa có cầu an toàn, trong khi nhiều người phải thuê xe chở nông sản cũng như xe cơ giới để canh tác nên chi phí sản xuất tăng lên đáng kể. Theo ông Công, nếu có chiếc cầu mới, bà con sẽ đầu tư thêm máy nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng; nông dân còn tận dụng được thời gian để làm những việc khác, nâng cao đời sống.

Ngọc Liên

 
 

 

 

 

Tin xem nhiều